Sân bay Quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa là sân bay có mật độ hoạt động bay cao thứ 4 của Việt Nam. Trong những năm gần đây, nhằm đáp ứng tăng trưởng hoạt động bay tại sân bay Cam Ranh, nhiều dự án đã được triển khai và đưa vào áp dụng như đưa vào khai thác nhà ga quốc tế số 2, áp dụng các phương thức bay sử dụng dẫn đường vệ tinh tại sân bay Cam Ranh.
Gần đây nhất, tháng 8 năm 2018, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã thiết lập và đưa vào khai thác Trung tâm Kiểm soát tiếp cận tại sân Cam Ranh. Đây là Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân thứ 4 của Việt Nam sau Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng.
Sân bay Cam Ranh được xây dựng từ những năm chiến tranh với 01 đường cất hạ cánh (CHC). Thời gian đầu khai thác, sân bay chỉ dùng cho các hoạt động bay quân sự. Năm 2004, sân bay Cam Ranh đón chuyến bay dân sự đầu tiên. Hiện nay, Cam Ranh là sân bay hoạt động hỗn hợp Quân sự – dân dụng. Trung đoàn 920 Quân chủng Phòng không – Không quân và Lữ đoàn 954 Quân chủng Hải quân hoạt động với tần suất khoảng 200 – 300 lần chuyến/ngày. Trong khi đó, mật độ hoạt động bay dân dụng tại sân bay Cam Ranh có thời điểm đạt hơn 200 chuyến/ngày. Thời gian cao điểm, sân bay Cam Ranh có khả năng tiếp thu tới 19 lần chuyến cất/hạ cánh trong 1 giờ.
Với sự phát triển về kinh tế, du lịch của địa phương, lưu lượng hành khách thông qua Cảng HKQT Cam Ranh trong những năm gần đây đã tăng nhanh chóng. Năm 2011, lượng khách thông qua Cảng HKQT Cam Ranh chỉ đạt 1 triệu lượt. Tới năm 2015, lượng khách thông qua đạt 2.7 triệu lượt và đến năm 2016 đã tăng lên gần 4.9 triệu lượt. Trong năm 2018, Cảng HKQT Cam Ranh đã đón khoảng 6 triệu lượt khách thông qua.
Tuy nhiên, vì được xây dựng từ lâu và tiếp nhận số lượng lớn các chuyến bay đi/đến trong ngày nên đường CHC hiện hữu đã xuống cấp, có khả năng gây mất an toàn và không đáp ứng được nhu cầu khai thác tại sân bay Cam Ranh. Vấn đề này đặt ra yêu cầu cần thiết, cấp bách phải xây dựng một đường CHC mới, vừa đảm bảo an toàn khai thác vừa đảm bảo tiếp thu được các tàu bay cỡ lớn, đáp ứng với sự tăng trưởng về mật độ hoạt động bay. Dự án đầu tư, xây dựng đường CHC số 02 tại Cảng HKQT Cam Ranh là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn 2016 – 2020.
Sơ đồ mặt bằng sân bay tại Cảng HKQT Cam Ranh
Theo Quyết định số 1055/QĐ-CHK ngày 20/5/2019 của Cục Hàng không Việt Nam, đường CHC số 02 tại Cam Ranh sẽ chính thức được đưa vào khai thác từ ngày 20/6/2019. Đường CHC số 2 tại Cảng HKQT Cam Ranh có kích thước 3048m x 45m, sức chịu tải của bề mặt đường CHC là PCN 66/R/A/W/T, song song và cách đường CHC số 1 hơn 200m. Đường CHC số 2 được trang bị hệ thống tiếp cận hạ cánh chính xác ILS ở cả hai đầu. Trong công tác điều hành bay, 02 đường CHC tại sân bay Cam Ranh khai thác song song phụ thuộc và được coi như 01 đường CHC. Sau khi đưa vào khai thác, đường CHC số 2 sẽ đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO và đáp ứng khai thác hiệu quả, an toàn các tàu bay cỡ lớn như B767-300, B787, v.v.. Như vậy, sân bay Cam Ranh là sân bay thứ 4 của Việt Nam khai thác 02 đường CHC song song.
Phương án vận hành tàu bay hạ cánh đường CHC 20L
Để đảm bảo việc an toàn khi đưa đường CHC số 2 vào khai thác, Tổng công ty Quản lý bay đã triển khai thực hiện và hoàn thành nhiều nội dung công việc như: Xây dựng và hoàn thiện các phương thức bay (truyền thống và sử dụng vệ tinh) cho đường CHC số 02; Thực hiện thủ tục thông báo tin tức hàng không về việc điều chỉnh thông số đường CHC hiện hữu, khai thác đường CHC mới và các sơ đồ phương thức bay tại sân bay Cam Ranh; Tu chỉnh Tài liệu hướng dẫn khai thác Trung tâm Kiểm soát tiếp cận tại sân Cam Ranh; Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên qua rà soát sửa đổi các nội dung tại Quy chế bay trong khu vực sân bay Cam Ranh; Ký kết các Văn bản hiệp đồng; Huấn luyện cho các nhân viên không lưu và thực hiện công tác đánh giá an toàn, nhận diện các mối nguy hiểm, thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro. Gần đây nhất, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã tổ chức cuộc họp với Quân chủng Phòng không – Không quân, Quân chủng Hải quân, Cảng HKQT Cam Ranh, Cảng vụ hàng không miền Trung tại sân bay Cam Ranh để thống nhất phương thức sử dụng 02 đường CHC song song tại Cảng HKQT Cam Ranh nhằm đảm bảo an toàn, điều hòa các hoạt động bay của Quân sự và HKDD. Căn cứ các nội dung đã thống nhất tại cuộc họp, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện Phương thức khai thác 02 đường CHC song song tại Cảng HKQT Cam Ranh, trình Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt. Phương thức khai thác có hiệu lực từ ngày 20 tháng 6 năm 2019.
Phương án vận hành tàu bay hạ cánh đường CHC 02R
Đến thời điểm hiện tại, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã hoàn thành các nội dung công việc, sẵn sàng cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay khi đường CHC số 2 tại Cảng HKQT Cam Ranh được đưa vào khai thác. Với việc bổ sung 01 đường CHC, năng lực tiếp thu, phóng hành tại sân bay Cam Ranh sẽ tăng lên đáng kể. Đồng thời, đường CHC số 2 đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo yêu cầu về khai thác, năng lực dự phòng khi có hoạt động sửa chữa đường CHC cũ. Với vai trò chiến lược vô cùng quan trọng của vịnh Cam Ranh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung, việc đưa vào khai thác đường CHC số 2 tại Cảng HKQT Cam Ranh sẽ góp phần to lớn trong việc phát triển kinh tế, du lịch của địa phương và đảm bảo an ninh quốc phòng quốc gia.
Nguồn vatm.vn
- Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2015-2020
- Vietnam Airlines và Sabre ký kết hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin hàng không
- VATM : Triển khai các giải pháp cấp bách ứng phó với dịch Covid-19 trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của Tổng công ty năm 2020
- Thiết lập đường hàng không song song sử dụng phương thức dẫn đường khu vực theo tính năng RNAV5 trục Bắc – Nam
- Boeing dự báo Việt Nam là động lực phát triển hàng không tại Đông Nam Á