Ngành hàng không đang phát triển mạnh mẽ và hứa hẹn đầy tiềm năng. Cơ hội việc làm cho những bạn trẻ có ước mơ được làm việc trong lĩnh vực hàng không ngày càng rộng mở hơn. Và bạn đã bao giờ nghĩ một ngày nào đó được chỉ huy, điều hành chiếc máy bay Airbus A380 hay Boeing 747 trong tầm tay của mình? Hãy thử sức với nghề Kiểm soát Không lưu và thỏa mãn niềm đam mê với công việc đầy thú vị này.
Kiểm soát viên không lưu: “Người điều hành, đảm bảo an toàn cho những chuyến bay”
Có 4 loại hình Kiểm soát viên Không lưu (KSVKL): KSVKL đường dài, KSVKL tiếp cận, KSVKL tại sân bay và nhân viên kiểm soát mặt đất.
Tại Việt Nam hiện nay dịch vụ điều hành bay được chia làm 04 bộ phận chính, do các KSVKL tương ứng đảm nhiệm:
- Bộ phận kiểm soát mặt đất (GCU – Ground Control Unit): Kiểm soát hoạt động của tàu bay từ vị trí đỗ đến vị trí chờ trước khi vào đường cất hạ cánh và từ khi tàu bay rời khỏi đường cất hạ cánh lăn về vị trí đỗ tại sân bay; kiểm soát và điều hành các hoạt động của tàu bay, người và phương tiện kỹ thuật phục vụ bay tại khu vực kiểm soát mặt đất.
- Đài kiểm soát tại sân bay (TWR – Aerodrome Control Tower): Kiểm soát tàu bay cất hạ cánh: Cung cấp chỉ thị và các thông tin cần thiết cho tàu bay cất cánh đúng theo kế hoạch bay dự kiến với sự chậm trễ trung bình ít nhất; hướng dẫn các tàu bay đến hạ cánh cho đến khi tàu bay rời khỏi đường cất hạ cánh để lăn vào sân đỗ.
- Cơ sở kiểm soát tiếp cận (APP – Approach Control Unit): Dẫn dắt và sắp xếp thứ tự các tàu bay đến theo một thứ tự hiệu quả nhất để tàu bay vào làm tiếp cận và hạ cánh; dẫn dắt các tàu bay khởi hành nhanh chóng lấy độ cao bay và đường bay mong muốn trước khi chuyển tiếp vào giai đoạn bay đường dài.
- Trung tâm kiểm soát đường dài (ACC – Area Control Center): Kiểm soát tàu bay trong vùng trách nhiệm lớn nhất, đảm bảo hoạt động bay an toàn và điều hòa trên các đường hàng không ở những vùng trời cao hơn, cả trên biển và đất liền.
SƠ ĐỒ CÁC GIAI ĐOẠN CHUYẾN BAY
Với chúng tôi: Đảm bảo an toàn bay là ưu tiên hàng đầu
Với vai trò của một Kiểm soát viên không lưu, công việc chính của bạn là đảm bảo khoảng cách an toàn, hay còn gọi là phân cách giữa các tàu bay. Để làm được điều đó, chúng tôi áp dụng quy định khoảng cách giữa các tàu bay tối thiểu là 1,000 feet (304.8 m) theo độ cao hoặc theo phương ngang là 5 dặm (9.26 km) trong vùng trời tiếp cận và 10 dặm (18,52 km) trong vùng trời đường dài… Bạn phải duy trì việc liên lạc với phi công trong suốt hành trình chuyến bay. Bạn phải luôn theo dõi, nắm rõ lộ trình chuyến bay bắt đầu từ lúc khởi hành cho đến khi hạ cánh để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đảm bảo an toàn bay là ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên công việc của Kiểm soát viên không lưu chưa dừng lại ở đó.
Với lưu lượng chuyến bay ngày càng tăng cao mỗi năm, đòi hỏi Kiểm soát viên không lưu phải điều hành các chuyến bay an toàn, điều hòa và nhanh chóng để tạo ra hiệu quả cao nhất.
“Văn phòng” của các Kiểm soát viên Không lưu Việt Nam được đặt tại 22 Đài kiểm soát Không lưu tại các sân bay quốc tế và nội địa trong cả nước, 03 Cơ sở kiểm soát tiếp cận (Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất) và 02 Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Trung tâm Kiểm soát Không lưu Hà Nội. Mỗi kíp trực được chia ra nhiều vị trí, bao gồm Kíp trưởng, Kíp phó (WS-Watch Supervisor), KSVKL điều hành (EC-Executive Controller), KSVKL hiệp đồng (PLC- Planning Controller), KSVKL giám sát (SC- Supervising Controller), KSVKL thực tập (OJT- On the job training controller) và các Huấn luyện viên tại vị trí làm việc (OJTI- OJT Instructor).
Để điều hành và bao quát được bầu trời, KSVKL được trang bị các màn hình radar và hệ thống Quản lý Không lưu tự động (ATM) rất hiện đại, thiết bị liên lạc vô tuyến không – địa, thiết bị liên lạc trực thoại mặt đất, điện thoại, máy tính… và các thiết bị hỗ trợ khác nữa.
Kiểm soát không lưu là một nghề mang tính Quốc tế cao nên các qui định, tiêu chuẩn công việc được qui chuẩn trên cơ sở quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) và của Việt Nam.
Môi trường làm việc
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đang đặt nhiều hi vọng vào thế hệ trẻ có năng lực, yêu thích và muốn theo đuổi sự nghiệp với nghề Kiểm soát không lưu. Với cơ hội nghề nghiệp tại đây, bạn sẽ được tiếp cận với:
- Điều kiện làm việc thuận lợi;
- Môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp: Với hệ thống trang thiết bị hiện đại được cung cấp bởi các nhà sản xuất nổi tiếng thế giới, Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Trung tâm kiểm soát Không lưu Hà Nội được đánh giá là những Trung tâm kiểm soát không lưu ngang tầm khu vực.
- Thu nhập hấp dẫn, tăng dần theo năng lực và kinh nghiệm: Nghề Kiểm soát Không lưu được đánh giá là một trong 10 ngành nghề đang có mức lương cao nhất tại Việt Nam.
- Cơ hội phấn đấu, thể hiện năng lực bản thân.
- Các chế độ, quyền lợi khác theo quy định của Nhà nước và Tổng công ty;
Ngoài ra Kiểm soát viên không lưu luôn được quan tâm, tạo điều kiện về đời sống vật chất, tinh thần và có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp. Hàng năm KSVKL được tham gia các khóa học nghiệp vụ trong nước và ở các cơ sở đào tạo huấn luyện nước ngoài như tại Singapore, Thailand, New Zealand,… để không ngừng nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn.
Tố chất hàng đầu
Có khó không để trở thành KSVKL? Bạn sẽ băn khoăn: Một KSVKL cần phải hội tụ những yếu tố gì? Đây là công việc mang tính chất đặc thù và đòi hỏi ở chúng ta sự thông minh, nhanh nhạy và đặc biệt là tính chuyên nghiệp cao.
Kiểm soát viên không lưu, họ là những người:
- Yêu thích và đam mê với ngành hàng không
- Có trách nhiệm cao với công việc
- Có sự định hình không gian tốt
- Có trí nhớ tốt và khả năng tư duy nhanh
- Có khả năng quyết định nhanh chóng và thực hiện nhiều việc cùng lúc
- Có khả năng làm việc theo nhóm
- Có thể làm việc theo ca kíp
- Tự tin và quyết đoán
- Có khả năng thích ứng với Stress và bình tĩnh khi gặp áp lực
- Có sức khỏe, thị lực và thính giác tốt
- Không sử dụng các chất có kích thích có thể làm ảnh hưởng đến sự tỉnh táo…
Ngoài các yếu tố trên, bạn cần phải có khả năng thành thạo tiếng Anh, đáp ứng yêu cầu theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) để tương tác hiệu quả với các phi công đến từ nhiều Quốc gia khác nhau trong khi điều hành bay.
Triển vọng nghề nghiệp
Với thế mạnh là lực lượng lao động chính, được đào tạo bài bản và có trình độ chuyên môn cao của Tổng công ty, bên cạnh việc trở thành các cán bộ quản lý kíp trực (kíp trưởng, kíp phó), các thế hệ Kiểm soát viên không lưu Việt Nam đang tiếp tục phát triển ở các vị trí cao hơn như:
- Các chuyên gia Không lưu;
- Chuyên gia về huấn luyện (Huấn luyện viên không lưu);
- Chuyên gia về an toàn, điều tra sự cố Không lưu;
- Chuyên gia thiết kế phương thức bay, thiết kế vùng trời Không lưu;
- Các vị trí lãnh đạo tại các Trung tâm Kiểm soát Không lưu, các phòng, ban, các đơn vị thuộc Tổng công ty và Cục Hàng không Việt Nam…vv
Hiện nay, cùng với sự phát triển của ngành hàng không và qua các phương tiện thông tin đại chúng, nghề Kiểm soát Không lưu được nhiều người biết đến và quan tâm hơn. Đây thực sự là cơ hội để các bạn thực hiện ước mơ và đam mê đối với một công việc ở lĩnh vực hàng không – một ngành nghề mà phía trước luôn là bầu trời rộng lớn.
Nguồn vatm.vn
- Vietjet khai trương 2 đường bay Hà Nội – Huế và Hà Nội – Đài Bắc
- Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 39 Đại hội đồng Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế
- Nhiều đường bay mới ra thế giới trong năm 2015
- Khai thác đường hàng không song song, vệt bay sử dụng dẫn đường khu vực RNAV5 trục Bắc – Nam
- VATM tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19