Chúng tôi có mặt tại Song Tử Tây vào đúng đợt nắng nóng nhất trên đảo. Sau hơn 4 tháng công tác và sinh hoạt, tôi có thể cảm nhận được tinh thần quyết tâm giữ vững chủ quyền quốc gia của các chiến sỹ hải quân cũng như cán bộ và người dân nơi đây. Và người ATTECH đã hòa cùng không khí đó.
Ấn tượng đầu tiên của tôi là một thảm cỏ xanh ngắt hiện ra giữa một biển nước. Nhìn từ trên cao, đảo Song Tử Tây là cả một mảng xanh với đủ các sắc độ khác nhau. Xanh sẫm của biển, xanh dương vùng nước gần bãi cạn, màu xanh của thảm thực vật…
Tuy nhiên, cũng như nhiều đảo khác trên quần đảo Trường Sa, thời tiết Song Tử Tây rất khắc nghiệt. Nắng thì cháy da, còn mưa thì thường kèm theo sóng to gió lớn. Sóng đánh cả lên bờ, khiến cho việc tăng gia sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Trước khi ra đảo, chúng tôi được một đồng chí thuộc Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân quán triệt: Đảo Song Tử Tây xa đất liền đến hơn 300 hải lý, do vậy ngoài sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, anh em cần phát huy tinh thần tự lực tự cường, vượt khó để công tác tốt.
Riêng đối với các chiến sỹ bộ đội thì phải cố gắng vượt chỉ tiêu trong tăng gia sản xuất, đàn heo, đàn bò phát triển tốt; gia súc, gia cầm, vườn rau xanh đủ cung cấp cho đời sống của anh em chiến sĩ trên đảo. Về đời sống tinh thần, chúng tôi có TV, có đầu karaoke, có sách báo đọc, nghiên cứu, nên anh em luôn được cập nhật thông tin như ở đất liền.
Tôi được biên chế vào một tổ công tác khai thác thiết bị ADS-B của đảo. Nhiệm vụ chính của tôi là trực giám sát, đảm bảo kỹ thuật hệ thống thiết bị ADS-B. Sống ở đảo, tôi được hoà nhập vào cuộc sống tập thể. Có khá nhiều lạ lẫm đối với một người mà quanh năm chỉ ở nhà với gia đình như tôi.
Tôi phải học anh em nấu cơm, rửa bát, dọn dẹp phòng ốc. Sau đó là thay ca trực, khắc phục những sự cố có thể xảy ra. Để việc sinh hoạt của tổ công tác được đi vào nề nếp, chúng tôi phân công nhau trực nhật, mỗi người một tuần. Tôi phải canh đúng giờ có điện để bơm đầy nước vào bồn xanh và bồn nhà vệ sinh, cắm ấm điện, đun sôi nước, đổ đầy vào các phích nước.
Hàng ngày 5 giờ sáng là phải dậy lấy nước trong bình thủy đổ vào ấm đặt lên bếp gas đun sôi lại để mọi người ăn mì tôm và uống trà. Sau mỗi ca trực, chúng tôi lại cùng nhau rút kinh nghiệm trong công tác, rồi chơi thể thao cùng với các chiến sỹ bộ đội…
Trong thời gian ở đảo, có những kỷ niệm mà tôi chẳng bao giờ quên. Ngày nghỉ, chúng tôi thường đi loanh quanh chùa, thăm các gia đình trên đảo. Tôi đã được gặp chị Trương Thị Thanh Xuân, một trong những cư dân đầu tiên trên đảo. Chị vui vẻ chia sẻ với tôi về cuộc sống ở đây. Chị tâm sự dù còn rất nhiều khó khăn, vất vả song mọi người sống với nhau rất đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau như người thân trong đại gia đình. “Trong cuộc sống thường nhật, mỗi khi ai đó gặp khó khăn, giúp nhau được gì là vợ chồng chúng tôi luôn sẵn sàng". Qua câu chuyện, chúng tôi hiểu tình cảm dành cho cán bộ, chiến sĩ và các hộ dân sống trên đảo là thiêng liêng và vô giá, tiền bạc không thể đánh đổi được.
Cũng theo chị Xuân, mọi người dân trên đảo chia sẻ với nhau từng gáo nước ngọt, từng cọng rau xanh, thậm chí còn may vá quần áo cho cán bộ, chiến sỹ sau những ngày làm nhiệm vụ không may bị rách. "Hay hôm nào trời yên biển lặng ông xã đi đánh cá về, nhiều ít cũng chỉ giữ lại một phần để gia đình dùng, tăng gia được ngọn rau xanh, cũng chỉ để đủ cho gia đình còn lại đem biếu cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Và mỗi khi có việc nặng, nhờ vả các chú bộ đội sẵn sàng giúp đỡ hết mình, không một chút do dự", – chị Xuân chia sẻ.
Còn theo chủ tịch xã đảo Song Tử Tây Nguyễn Mạnh Cường: “Quân với dân là mối văn hóa đặc thù, lâu đời nhưng gần gũi của người Việt Nam. Ở Song Tử Tây, mỗi đầu mối đơn vị đều được kết nghĩa với một hộ dân nên nét văn hóa đó càng được phát huy bền chặt”.
Ở đây đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần được gắn bó mật thiết. Ngày thường cũng gặp nhau và đặc biệt các ngày lễ, tết là những ngày hội thực sự của bà con nhân dân cũng như anh em chiến sĩ. Các đồng chí bộ đội hải quân coi bà con nhân dân như chính gia đình mình. Những việc giúp đỡ ngư dân phòng chống thiên tai bão lũ, tham gia cứu hộ trên biển… chính là những hoạt động thể hiện rõ nhất tình quân dân ấy.
Dự kiến lịch trình công tác của tôi ở Song Tử Tây là 90 ngày, song khi chuẩn bị kết thúc đợt công tác thì chúng tôi nghe tin giàn khoan HD 981 của Trung Quốc xâm phạm thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cũng chính vì thế mà chúng tôi vẫn quyết tâm tiếp tục tổ chức việc sinh hoạt và làm việc trên đảo. Chờ khi có lệnh cấp trên thì mới trở về đất liền.
Dù cuộc sống trên Đảo có nhiều vất vả, thiếu thốn song tôi luôn thấy 120 ngày ở đảo là khoảng thời gian rất đẹp, đáng nhớ với một cán bộ trẻ như tôi. Chính nơi đây, trên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc này, chúng tôi đã hòa mình vào cuộc sống của các chiến sĩ hải quân, của cán bộ và nhân dân trên Đảo. Hàng ngày, hàng giờ người ATTECH đang âm thầm dựng xây con đường tươi sáng, góp phần nhỏ bé của mình để bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc thân yêu.
Phạm Tuấn Hiệp
Trung tâm TSC – Xưởng Dịch vụ Kỹ thuật