Bài viết dự thi của Tác giả: Nguyễn Duy Minh – Đài DVOR/DME Phú Quốc – Xưởng DVKT
Ngày nhỏ, mỗi lần nhìn thấy máy bay bay ngang bầu trời là tôi lại nghĩ đó là một phương tiện gì đó tối tân cùng với nó là một lĩnh vực gì đó mang tính chất “cao siêu” của nhân loại.
Với bản tính tò mò và thích chinh phục những cái “cao siêu” ấy…nó đã làm cho tôi yêu khoa học kỹ thuật từ lúc nào không hay. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện tử viễn thông, tôi lập tức tìm hiểu về lĩnh vực thông tin liên lạc của ngành Hàng Không dân dụng Việt Nam, mà lúc đó tôi không biết là do Tổng Cty Quản Lý Bay Việt Nam đảm nhiệm. Tôi mày mò và cơ duyên đưa tôi đến với ATTECH thật tình cờ và may mắn…
Ngày nhận e-mail thông báo trúng tuyển từ phòng TCCB-LĐ, tôi vui mừng vô cùng. Một thân tự mày mò, đặt vé máy bay qua mạng, tự ra tận thủ đô Hà Nội – nơi trụ sở công ty, nơi mà từ nhỏ đến giờ vẫn từng ao ước được đặt chân đến, và 1 niềm vui nữa là tôi được ở thủ đô Hà Nội tận 6 tuần…
Không khí lạnh kèm theo mưa phùn khắc nhiệt của mùa đông miền Bắc – tôi đã nghe kể từ lâu mà bây giờ tôi mới được chứng kiến và cảm nhận, đi dọc theo phố Nguyễn Sơn để vào nhà khách của cty, tôi không khỏi choáng ngợp bởi các tòa nhà mà ở đó, cái gì cũng liên quan đến ngành Hàng Không Việt Nam, lúc đó tự nghĩ, để 1 chuyến bay cất cánh, không chỉ đơn giản thích là cất và hạ cánh, mà phải nhờ vào tất cả các cơ quan ở đây.
Vào ATTECH, tôi được huấn luyện các kiến thức cơ bản về ngành Hàng Không Việt Nam, cũng như ngành Quản Lý Bay Việt Nam, nơi đây đã làm cho tôi bớt “hai lúa” đi phần nào về lĩnh vực “cao siêu” như hồi nhỏ tôi vẫn thường nghĩ.
Các kiến thức nền tảng về điện tử viễn thông mà tôi được học ở mái trường đại học dần được áp dụng vào lĩnh vực hoạt động của ATTECH. Đó là những mảng dẫn đường, thông tin liên lạc và giám sát. Tôi không khỏi choáng ngợp bởi các trang thiết bị hiện đại, tối tân để phục vụ điều hành bay, cũng như góp phần an toàn vào mỗi chuyến bay đang di chuyển trên bầu trời.
6 tuần ở thủ đô Hà Nội trôi qua thật nhanh với những kiến thức mới mẻ về ngành hàng không được ATTECH đào tạo, đã đến lúc tôi phải trở về đài công tác. Đáp chuyến bay xuống Cảng Hàng Không Quốc Tế Phú Quốc, nơi đã xua tan đi cái mùa đông lạnh giá của miền Bắc và chào đón tôi bằng những cơn nắng chói chang và nóng nực của miền Nam, tôi nhanh chóng thu xếp hành lý về đài DVOR/DME Phú Quốc – một trong những đài dẫn đường trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Tôi không bất ngờ lắm khi thấy đài nằm giữa rừng, cách đó không xa là một làng chài nhộn nhịp của đảo Phú Quốc. Với những kiến về ngành Hàng Không Việt Nam nói chung và kiến thức về thông tin, dẫn đường, giám sát được huấn luyện bởi ATTECH nói riêng, những trang thiết bị hiện đại của đài DVOR/DME Phú Quốc, nhiệt huyết của tuổi trẻ – tôi và anh em trong đài hằng ngày góp phần vào công việc điều hành bay, đảm bảo chuyến bay của mọi người thêm an toàn…
Đôi dòng suy nghĩ về khoảng thời gian đầu lập nghiệp xa mái nhà thân yêu ./.
Viết về ATTECH thân yêu,
Phú Quốc, ngày 29 tháng 06 năm 2017
- Tặng Anh – Người ATTECH
- ATTECH – Nơi đảo xa
- Trạm ADS – B/VHF/VSAT trên đảo Trường Sa Lớn – Công trình của ATTECH góp phần gìn giữ Biển Đảo quê hương.
- Đoàn Thanh niên Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay tổ chức Giải bóng đá chào mừng kỷ niệm 25 năm thương hiệu ATTECH (1998-2023)
- ATTECH – Vững niềm tin đi đến Vinh quang