Tác phẩm đạt giải nhất cuộc thi " viết về ATTECH "
Trường Sa – vốn đã rất đỗi thân thương và quen thuộc đối với mỗi người Việt Nam, giờ lại càng gắn bó, thân thương hơn với chúng tôi. Người Việt Nam, ai cũng mơ ước, khát khao được một lần ra Trường Sa, chúng tôi cũng vậy luôn mơ ước và khát khao cháy bỏng được đặt chân lên những hòn đảo xinh đẹp, thiêng liêng của Tổ quốc để được mang những tình cảm chân thành và sâu sắc nhất tới những người đang ngày đêm canh giữ biển trời quê hương.
May mắn đã đến với chúng tôi khi trở thành nhân viên kỹ thuật thuộc trạm CNS Trường Sa – Cty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay (ATTECH). Cảm giác vui sướng xen lẫn háo hức, tự hào vẫn còn đang mãnh liệt trong chúng tôi cho tới bây giờ. Thế là ước mơ bấy lâu của chúng tôi nay đã trở thành hiện thực. Sau 03 ngày hải trình đầy sóng gió, gian nan, vất vả trên tàu của các chiến sĩ Hải quân, Trường Sa không còn là những hình ảnh từ các phương tiện thông tin đại chúng, mà hiện hữu rất thật, rất sống động ngay trước mắt chúng tôi. Đến với Trường Sa, những nhân viên mới như chúng tôi thấy được vẻ đẹp rất đáng quý, đáng trân trọng của Trường Sa và quân, dân nơi đây. Những thứ tưởng chừng như đơn giản lại trở nên tuyệt vời đến như vậy. Chỉ cần những bãi san hô nổi lên cũng đã thấy sự sống, những trụ thép, bê tông thật dài cũng xây dựng lên một nhà dàn DK hiên ngang chống chọi với bão táp, những cây phong ba, cây tra, cây bàng vuông cũng đủ để bảo vệ đảo trước những cơn sóng dữ. Những “chiến sĩ” CNS chúng tôi, tên gọi luôn được kèm theo từ “bay”– những cái tên thân quen mà quân và dân trên đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây thường gọi nhân viên kỹ thuật thuộc trạm CNS Trường Sa.
Đào Trường Sa Lớn-“Thủ đô ”của Huyện đảo Trường Sa
Được trải nghiệm những ngày tháng sống và làm việc trên đảo, Chúng tôi thật sự cảm phục về sự quyết tâm của lãnh đạo Công ty và tinh thần vượt khó, không ngại khổ của các cán bộ, nhân viên ATTECH, đặc biệt là những người đã trực tiếp khảo sát, lắp đặt, đưa vào vận hành khai thác các trạm ADS-B và trang thiết bị đồng bộ tại các đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn. Lên đảo làm việc chứng kiến tình cảm và sự gắn bó, đoàn kết, chung sức vượt qua gian khó của các lực lượng đóng quân trên đảo và người dân. Mối quan hệ mật thiết giữa quân và dân trên đảo từ lâu đã là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những con người đang ngày đêm bám biển giữa trùng dương bao la. Được sống và làm việc trong sự quan tâm, đùm bọc của quân dân với những người lần đầu lên Đảo như chúng tôi chính là nguồn động viên tinh thần lớn lao. Chính điều đó như tiếp thêm sức mạnh và ý chí, niềm tin vượt qua khó khăn, bám biển, bám đảo, bám bầu trời của chúng tôi.
Việc triển khai các trạm giám sát ADS-B tại các đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn và tới đây là các trạm liên lạc VHF thoại không – địa tầm xa, VSAT của ATTECH đã góp phần khẳng định khả năng biến điều không thể (trước đây) thành điều có thể (ngày nay) trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ không vận của Việt Nam cho các vùng trời trên biển xa. Ở một tầm nhìn mang tính chiến lược thì việc triển khai, thực hiện các công trình dân sự trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, phục vụ cộng đồng hàng không quốc tế, đã góp phần khẳng định một cách hiển nhiên đó là chủ quyền về biển đảo, vùng trời của Việt Nam.
“Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, mỗi lần nhận được nhiệm vụ ra Trường Sa thay ca trực, trong tâm trí chúng tôi, người ra đảo luôn có tâm trạng như được về với quê hương, về với mái nhà thân ấm cúng và thân quen của mình, người về lại luôn cảm thấy bùi ngùi, quyến luyến như thể không muốn xa nhà, xa quê hương của mình. Đâu đó vang vọng cậu hát:
Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa
Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà
Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa
Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua”
(Trích bài hát “Nơi đảo xa” Sáng tác: Nhạc sĩ Thế Song)
Như một lời tự nhủ bản thân phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ dù có vất vả, khó khăn. Sống và làm việc ở Trường Sa – mảnh đất thiêng liêng, nơi Tổ quốc neo mình nơi đầu sóng cả đang đổi thay từng ngày. Một cuộc sống đủ đầy với rau xanh và trái ngọt, với tiếng trẻ thơ bi bô đánh vần, với tiếng chuông chùa thanh tịnh và những lời nguyện cầu cho sự bình yên, vĩnh cửu… Là chiến sĩ “Bay” chúng tôi tự hào lắm ! Tự hào vì được sống và làm việc tại Trường sa, khúc ruột của đất mẹ Việt Nam. Nơi đây biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ cho sự bình yên trên biển, đảo…Là nhân viên mới chúng tôi tự hào lắm! Tự hào vì ở trong đội ngũ ATTECH, chúng tôi được sống theo đúng với tinh thần của ATTECH, chan hòa với văn hóa của ATTECH. Đó chính là tinh thần ATTECH, sức mạnh ATTECH. Chúng tôi ra Trường sa là nhiệm vụ, là trách nhiệm, là tiếng gọi thổn thức tiếp nối truyền thống cha ông:
“Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình
Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá
Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả
Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây
Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi
Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ
Thắp lên ngọn đuốc Hòa bình, bao người đã ngã
Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông…”
(Trích “Tiếng chuông chùa giữa đại dương xanh” – Phan Hoàng)
Khó, không ngại khó! Khổ, không ngại khổ! Tinh thần chiến sĩ “Bay” luôn vững tâm vì được quan tâm của lãnh đạo Công ty đã lắng nghe chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần động viên cán bộ nhân viên đi công tác cũng như trực vận hành khai thác trực tiếp tại Đảo. ATTECH 5 năm một chặng đường. Một chặng đường mà cả ATTECH cùng hướng lên phía trước. Với bao nhiêu khó khăn vất vả nhưng Công ty luôn biết cách vượt qua khó khăn thách thức để đạt được những thành công nổi bật. Thành công đó không phải tự nhiên mà có, nó được bắt đầu từ định hướng đúng đắn của Ban lãnh đạo công ty, của sự cố gắng lao động bền bỉ của tập thể người lao động. Và trên hết, thành quả là thể hiện tinh thần ATTECH- phấn đấu vươn lên. Đạt được tấm Huân chương lao động hạng Nhất. Đó là phần thưởng cao quý của đất nước giành cho một đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam giao phó. Đó là sự động viên tinh thần rất lớn, nhưng cũng chính là lời nhắc nhở chúng tôi luôn học tập nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng sống trên biển – đảo, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, sao cho xứng đáng là “người ATTECH” , vì một ATTECH vững mạnh toàn diện, đóng góp một phần nhỏ bé để xây dựng vào bảo vệ giữ vững biển đảo, chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc.
Lưu Ngọc Diễn
CNS Trường Sa – Xưởng Dịch vụ Kỹ thuật