Năm 2021, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát và lây lan trên diện rộng, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay đã triển khai áp dụng nhiều giải pháp để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Với quyết tâm mở lại hoạt động hàng không, Chính phủ và đại diện các bộ, ngành và doanh nghiệp hàng không đã đồng lòng thực hiện một loạt các giải pháp để sớm khôi phục ngành. Mở lại đường bay nội địa và quốc tế là thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc chống dịch, đồng thời bảo đảm phát triển kinh tế, duy trì cuộc sống bình thường của người dân.
Về hạ tầng cảng hàng không, năm 2021, ngành hàng không đã hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào khai thác dự án cải tạo đường cất – hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Khi hoàn thành sửa chữa, hai sân bay với mật độ bay cao nhất cả nước được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu khai thác trở lại của các hãng hàng không. Theo Bộ Giao thông vận tải, dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất được thực hiện theo lệnh khẩn cấp theo Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ, tận dụng thời gian tần suất bay giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để thi công nhằm không ảnh hưởng đến hoạt động bay. Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay (ATTECH) thực hiện các nhiệm vụ được giao thuộc 02 Dự án nâng cấp đường lăn, đường cất hạ cánh (CHC) Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất với điểm nhấn là việc tổ chức thi công di dời Đài dẫn đường DVOR/DME Tân Sơn Nhất và bay kiểm tra hiệu chuẩn các thiết bị dẫn đường hàng không tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất đáp ứng tiến độ được giao. Đây là các dự án rất lớn, quan trọng và cấp bách để đảm bảo an toàn hoạt động bay hàng không dân dụng trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của đường lăn, đường CHC do đó nhận được sự quan tâm đặc biệt của Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ.
Thời gian thi công trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua đỉnh điểm dịch bệnh chưa từng có trong lịch sử. Đại dịch đã gây nên những tổn thương tâm lý cho toàn xã hội cùng những đau đớn vô hình không thể đong đếm nổi. Đồng cảm với người lao động, Lãnh đạo Công ty đã đưa ra nhiều phương án giải pháp phòng chống dịch Covid-19 trong quá trình thi công đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Công ty đưa ra phương án hỗ trợ bếp ăn cho người lao động, người lao động được yêu cầu cùng làm việc, cùng ăn, cùng ở tại Chi nhánh Công ty. Những khu vực sinh hoạt chung được xịt khuẩn kỹ càng, cố gắng loại bỏ mọi nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, trong quá trình thi công công trình phải thực hiện biện pháp 5K (đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc và khai báo y tế). Công ty cũng xây dựng, tổ chức biện pháp thi công phù hợp, đảm bảo công tác phòng, chống dịch; vệ sinh công trường sau mỗi ca làm việc; vệ sinh bề mặt máy móc, thiết bị có tiếp xúc trực tiếp với người sử dụng (tẩy rửa, khử khuẩn…). Bên cạnh đó, Công ty tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho đội thi công đồng thời tuyên truyền đến người lao động sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống trong giai đoạn thực hiện công việc với phương châm: phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động. Với một quyết tâm cao độ, tinh thần đoàn kết cùng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Đội thi công công trình đã vượt qua thử thách trong điều kiện dịch bệnh Covid 19 hoàn thành gói thầu đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng.
Sau khi hoàn thành công tác thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị của Đài DVOR/DME Tân Sơn Nhất mới, Công ty TNHH Kỹ Thuật Quản lý bay đã phối hợp cùng Ban QLDA Mỹ Thuận tổ chức thực hiện bay kiểm tra hiệu chuẩn và các thủ tục nghiệm thu, bàn giao, cấp phép khai thác để đưa vào sử dụng theo quy định.
Bay kiểm tra hiệu chuẩn là hoạt động thường niên, bắt buộc, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì, giám sát, đảm bảo chất lượng của tín hiệu dẫn đường, giám sát hàng không, đồng thời là một mắt xích không thể thiếu trong hệ thống đảm bảo an toàn hàng không và là lĩnh vực kinh doanh trọng yếu của ATTECH. Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát và lây lan trên diện rộng, công tác bay kiểm tra hiệu chuẩn gặp rất nhiều khó khăn do chính sách hạn chế đi lại, xuất nhập cảnh, nguồn lực về tàu bay thiếu hụt song ATTECH đã linh hoạt, sáng tạo để vượt qua, hoàn thành công tác bay hiệu chuẩn theo kế hoạch của Cục Hàng không Việt Nam với hơn 150 hệ thống thiết bị và 03 phương thức PBN tại 22 cảng hàng không sân bay, trong đó hoàn thành bay hiệu chuẩn cơ bản để đưa vào khai thác từng phần, toàn bộ các đường cất hạ cánh tại hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Riêng đối với sân bay Tân Sơn Nhất, chỉ trong vòng 5 ngày đã thực hiện các công việc khảo sát sân bay, tổng hợp các dữ liệu kết quả bay cho từng hệ thống, thiết bị, lập chứng chỉ bay ngay sau khi kết thúc bay kiểm tra hiệu chuẩn. Các hệ thống, thiết bị sau khi bay hiệu chuẩn đều được đánh giá đủ điều kiện khai thác theo tiêu chuẩn, khuyến cáo của ICAO, kết quả bay cũng đã được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt, góp phần không nhỏ trong việc đưa đường CHC 07L-25R vào khai thác kịp thời, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân vào dịp tết Âm lịch 2021.
Không chỉ bay kiểm tra hiệu chuẩn các thiết bị dẫn đường, giám sát hàng không, bay đánh giá các phương thức bay truyền thống, năm 2021, Công ty còn tổ chức bay đánh giá phương thức bay PBN. Đây là phương thức bay hiện đại, thiết kế theo tính năng, giúp nâng cao hiệu quả điều hành bay. Chủ động và linh hoạt trong việc thực hiện nhiệm vụ bay đánh giá phương thức bay PBN sân bay Điện Biên, việc Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt phương thức bay PBN là điều kiện quan trọng để hãng hàng không Bamboo Airways có thể khai thác tàu bay phản lực bay đến sân bay Điện Biên. Sự kiện quan trọng này đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử, sân bay Điện Biên đón thành công máy bay thuộc dòng phản lực, trọng tải lớn, tốc độ tiếp cận cao, ứng dụng phương thức bay hiện đại, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, du lịch của tỉnh Điện Biên, tạo cực tăng trưởng và tác động lan tỏa đến các địa phương xung quanh.
Bằng sự chủ động, sáng tạo của tập thể người lao động ATTECH, cùng với sự chỉ đạo, lãnh đạo, hỗ trợ của Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam; sự phối hợp tạo điều kiện của các Ban quản lý dự án Thăng Long, Mỹ Thuận và các đơn vị trong ngành Hàng không; ATTECH đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2021, đặc biệt ghi dấu ấn với việc hoàn thành thi công gói thầu DD02, bay hiệu chuẩn các thiết bị dẫn đường hàng không thuộc 02 dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và bay đánh giá phương thức bay PBN sân bay Điện Biên trong tình hình dịch bệnh Covid 19. Trải qua cơn “bão“ Covid, con thuyền ATTECH vẫn sẵn sàng hướng thẳng mũi tàu đón những con sóng mới bằng năng lực quản lý bài bản, chuẩn mực cùng với tinh thần Sáng tạo và Thích nghi.
Bài: Nguyễn Thị Thái Hà
Ảnh: Lê Việt Bình, Đỗ Hùng Vương
- Chi bộ Xí nghiệp CTTB hàng không tổ chức lễ kết nạp 02 đảng viên mới
- THƯ GIỚI THIỆU SẢN PHẨM MỚI (Sản phẩm công nghiệp hàng không)
- Hoàn thành công tác di chuyển toàn bộ các tấm Pin năng lượng mặt trời tại Đảo Trường Sa Lớn
- Đại hội đại biểu Đảng bộ Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025
- Áp dụng biện pháp chủ động để giảm thiểu rủi ro tại đài DVOR/DME Nam Hà