Nhớ lại, 35 năm trước đây, với quyết tâm xây dựng một đơn vị hàng đầu về kỹ thuật điện tử cho toàn ngành Hàng không, ông Trần Mạnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không dân dụng đã ký quyết định thành lập Xí nghiệp Điện tử Hàng không (đơn vị tiền thân của Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay ngày nay), cùng với đó là một cơ chế quản lý mới, một mô hình hoạt động mới được áp dụng dành riêng cho Xí nghiệp.
Đầu năm 1987, Xí nghiệp Điện tử Hàng không ký bản Hợp đồng kinh tế đầu tiên với cơ quan ngoài ngành, có giá trị 500.000 đồng với Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Theo Hợp đồng, Xí nghiệp sản xuất và bán cho Nhà máy Gang thép Thái Nguyên 01 hệ thống đồng hồ điện hiện số và lắp đặt tại cổng chính Nhà máy.
Các công tác mua sắm, sản xuất được triển khai ngay lập tức. Phân xưởng Vô tuyến điện được giao chủ trì thiết kế, sản xuất và thi công lắp đặt toàn bộ công trình. Phân xưởng chọn ra một Tổ công tác 10 người do ông Vũ Việt Phương – Quản đốc Phân xưởng làm tổ trưởng.
Ngày ấy, “hợp đồng kinh tế” còn là khái niệm rất mới mẻ. Vì vậy, công trình sản xuất hệ thống đồng hồ có thể được coi là bước đi đầu tiên, quan trọng trên con đường đổi mới của Xí nghiệp. Lãnh đạo Xí nghiệp cùng toàn thể CB-CNV đều rất quan tâm, theo dõi tiến độ công việc từng ngày. Hiểu được ý nghĩa quan trọng của công trình, Tổ công tác đã làm việc rất tích cực, hăng say, không kể giờ giấc, ngày đêm. Việc ngủ muộn dậy sớm, bỏ bữa ăn cũng trở nên bình thường. Sự khó khăn về máy móc, vật tư, thậm chí là phương pháp sản xuất là một thách thức không nhỏ đối với Tổ công tác. Công việc thiết kế lắp ráp mạch tạo xung clock bằng các linh kiện rời rạc tốn rất nhiều thời gian mới hoàn chỉnh. Phần thiết kế cơ khí, hình dáng đồng hồ yêu cầu phải phù hợp với cổng chính của Nhà máy Gang thép Thái Nguyên nhưng cũng phải đảm bảo thẩm mỹ. Phần khung giá, gia công cơ khí Xí nghiệp không tự thực hiện được, phải thuê những người thợ lành nghề bên phố Hàng Thiếc, Hà Nội thực hiện. Cầu kỳ nhất là công đoạn hàn nối và cố định hàng mấy trăm bóng angbun – bóng đèn sợi đốt 6,3V, phải thực hiện từng bóng một mà không có đùi gài…
Với sự nỗ lực của Tổ công tác, hệ thống đồng hồ điện tử đã hoàn thành sau hơn 2 tháng thực hiện, với kích thước chiều cao 0.8m, chiều ngang 2.5m, hệ thống được chạy thử ổn định và chính xác. Mọi người đều rất phấn khởi chờ ngày đi triển khai.
Đến ngày lắp đặt, Tổ công tác lên đường đi Thái Nguyên từ sáng sớm. Khoảng 3 giờ chiều, Tổ công tác hoàn thành treo lắp hệ thống đồng hồ trên cổng chính Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Lúc ấy, Lãnh đạo của Nhà máy đều tấm tắc khen đẹp, kiểu dáng đồng hồ rất phù hợp với cổng chính. Tuy nhiên, khi đóng điện, đồng hồ lại không hiển thị số nào. Mọi người cho rằng đồng hồ có thể đã bị hỏng, lỗi do vận chuyển hoặc trong quá trình treo lắp. Kiểm tra lại toàn bộ, tất cả đều bình thường. Vậy tại sao các con số không hiển thị? Xem kỹ lại thì thấy đồng hồ vẫn đang chạy nhưng độ sáng của sợi tóc bóng đèn lại rất khó nhìn thấy. Vấn đề đã được mở ra, ánh sáng sợi tóc bóng đèn không đủ sáng để nhìn thấy được trong điều kiện ánh sáng ngoài trời vào ban ngày, tại Xí nghiệp khi lắp ráp xong đồng hồ chỉ được chạy thử ở trong nhà. Đúng như vậy, đến tối, đồng hồ chạy hiển thị đầy đủ, rực rỡ từng con số, đứng từ xa cũng có thể nhìn thấy rõ số giờ, số phút rất đẹp.
Hợp đồng kinh tế đầu tiên của Xí nghiệp Điện tử Hàng không mà bộ phận trực tiếp thực hiện là Phân xưởng Vô tuyến điện đã không thành công như vậy. Tâm trạng mỗi thành viên trong Tổ công tác đều nặng nề, buồn lắm. Tuy nhiên, sau khi trở về, mọi người đều gác lại tâm trạng buồn chán, lấy thất bại làm động lực tiếp tục nỗ lực làm việc, đầu tư vào công tác nghiên cứu, sản xuất, rút ra bài học lớn về việc nghiên cứu sản phẩm, chạy thử, nghiệm thu phải đáp ứng yêu cầu trong môi trường sử dụng thực tế. Từ bài học kinh nghiệm đó, hàng loạt các sản phẩm công nghiệp hàng không sau này (Thiết bị ghi âm, đồng hồ thời gian chuẩn GPS, hệ thống đèn hiệu, sản phẩm cơ khí chế tạo…) đã được sản xuất, đạt tiêu chuẩn của ICAO – Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, được Cục Hàng không Việt Nam cấp “Giấy chứng nhận đủ điều kiện kỹ thuật đối với thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại cảng hàng không, sân bay được thiết kế, chế tạo, thử nghiệm và sản xuất tại Việt Nam”.
Vạn sự khởi đầu nan! Chuyến đi làm kinh tế lần đầu tiên đó sẽ mãi là một kỷ niệm không phai của những người thợ vô tuyến điện năm ấy và cũng là bước đi ghi đậm dấu ấn trong quá trình phát triển của Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay cho đến ngày hôm nay.
Tháng 7-2021
Nguyễn Xuân Khải