Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật trao hồ sơ quy hoạch điều chỉnh CHKQT Tân Sơn Nhất cho đại diện các đơn vị
Quy hoạch tổng thể CHKQT Tân Sơn Nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 118/TTg ngày 27/2/1995. Sau hơn 20 năm thực hiện quy hoạch, CHKQT Tân Sơn Nhất đã được đầu tư cơ sở hạ tầng khá đồng bộ. Tuy nhiên cùng với sự thay đổi về dự báo, nhu cầu phát triển của ngành và của địa phương, đồng với với mục tiêu đến năm 2020 CHKQT Tân Sơn Nhất vẫn được xác định là Cảng hàng không lớn nhất của cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép và giao Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết CHKQT Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Trên cơ sở đạt được sự đồng thuận cao của các Bộ ngành có liên quan và của UBND Tp Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có Quyết định số 3193/QĐ-BGTVT ngày 07/9/2015 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết CHKQT Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật đánh giá cao Cục Hàng không Việt Nam đã nỗ lực trong việc sớm hoàn chỉnh điều chỉnh quy hoạch chi tiết CHKQT Tân Sơn Nhất
Theo quy hoạch, sân bay Tân Sơn Nhất được sử dụng chung cho cả quân sự và dân dụng, cấp 4E, sử dụng hai đường cất hạ cánh hiện hữu có khả năng tiếp nhận các loại tàu bay code E. Có 82 vị trí đỗ tàu bay bao gồm 54 vị trí đỗ của hàng không dân dụng và 28 vị trí đỗ của hàng không lưỡng dụng. Nhà ga hành khách sẽ được cải tạo để đáp ứng đạt công suất 25 triệu hành khách/năm. Nhà ga hàng hóa đến 2030 đạt 1 triệu tấn/năm.
Đối với hệ thống giao thông kết nối với sân bay thì đường Trường Sơn vẫn là trục chính, hai chiều 6 làn xe, có giải phân cách giữa. Cùng với đó là trục đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi cũng được hoàn thiện với 2 tuyến riêng biệt, mối tuyến có 3 làn. Quy hoạch bổ sung thêm một cầu vượt ở đường Bạch Đằng – Trường Sơn để tránh giao cắt giữa đường ra vào quốc tế và quốc nội.
Theo số liệu thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2015, sản lượng hành khách, hàng hóa thông qua CHKQT Tân Sơn Nhất vẫn tăng trưởng cao, đạt 19.591.189 lượt hành khách và 317,6 nghìn tấn hàng hóa, tương ứng tăng trưởng 18,64% về hành khách và 6,6% về hàng hóa so với cùng kỳ năm 2014.
Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đánh giá cao Cục Hàng không Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc sớm hoàn chỉnh điều chỉnh quy hoạch chi tiết CHKQT Tân Sơn Nhất đến 2020 định hướng đến 2030.
Theo quy hoạch, CHKQT Tân Sơn Nhất sẽ có 82 vị trí đỗ tàu bay
Tuy nhiên, trong quy hoạch này dù mới được điều chỉnh nhưng một số chỉ tiêu đến nay đã gần đạt được. Chẳng hạn, sản lượng hành khách trong năm 2015 dự báo sẽ đạt 25 triệu hành khách. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm túc quy hoạch điều chỉnh này để đáp ứng khả năng phục vụ hành khách cũng như hàng hóa trong thời gian tới.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị lãnh đạo Tp.Hồ Chí Minh cần có các giải pháp điều chỉnh quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất để phù hợp với quy hoạch đã được điều chỉnh, đồng thời đáp ứng lượng hành khách đi đến ngày càng tăng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật trao hồ sơ quy hoạch điều chỉnh CHKQT Đà Nẵng cho đại diện các đơn vị
Ngày 10/10, tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã công bố Quyết định Quy hoạch điều chỉnh chi tiết Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo quy hoạch, CHKQT Đà Nẵng là cấp sân bay 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO)) và sân bay quân sự cấp I. Đến năm 2020, CHKQT Đà Nẵng có công suất 11-13 triệu hành khách/năm, 50.000 tấn hàng hóa/năm với 22 vị trí đỗ tàu bay. Loại máy bay khai thác là B747, B777, B787, A320, A321, A350 và tương đương. Phương thức tiếp cận hạ cánh tiêu chuẩn CAT.
Định hướng quy hoạch đến năm 2030 CHKQT Đà Nẵng sẽ tiếp tục nâng cấp, cải tạo, xây dựng nhiều công trình như: đường lăn, sân đỗ tàu bay, nhà ga hành khách, hàng hóa, bảo dưỡng tàu bay… để đáp ứng nhu cầu vận tải đảm bảo chất lượng vận tải và dịch vụ được nâng cao.
Nguồn caa.gov.vn