Chậm, hủy chuyến tiếp tục giảm, tình trạng móc trộm hành lý ký gửi tại sân bay được kiểm soát chặt, công khai minh bạch vé bán… là những điểm sáng đáng chú ý trong nỗ lực nâng chất lượng dịch vụ hàng không thời gian qua.
Chậm, hủy chuyến tiếp tục giảm mạnh
Thống kê của Cục Hàng không VN cho thấy, 9 tháng đầu năm 2015, các hãng hàng không trong nước đã thực hiện hơn 151 nghìn chuyến bay. Trong số này, có 23,7 nghìn chuyến bay bị chậm (chiếm 15,6%, giảm 3,1 điểm so với cùng kỳ 2014) và 834 chuyến bay bị hủy (chiếm 0,5%, giảm 1,9 điểm so với cùng kỳ 2014). Tỷ lệ này theo Cục trưởng Lại Xuân Thanh là nằm ở top đầu khu vực và mức khá trên thế giới.
Tỷ lệ chậm, hủy chuyến của cả ba hãng hàng không là Vietnam Airlines , Vietjet Air và Jetstar Pacific đều đã giảm ấn tượng
Xét riêng các hãng hàng không trong nước, Jetstar Pacific “dẫn đầu” với tỷ lệ chậm chuyến là 20,8%. Ngay sau đó là Vietjet Air với 18,3% chuyến bay bị chậm. Với 14,1% chuyến bay chậm, “anh cả” Vietnam Airlines tiếp tục có tỷ lệ chậm chuyến thấp nhất.
Cũng liên quan đến tỷ lệ chậm, hủy chuyến, theo Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường, cần ghi nhận nỗ lực của tất cả các đơn vị trong ngành đối với việc giảm tối đa tỷ lệ chậm chuyến, hủy chuyến của các hãng hàng không, bởi theo ông Cường, trong giai đoạn này, tại một số thời điểm, vì những lý do bất khả kháng như thời tiết, đóng cửa đường cất, hạ cánh để sửa chữa…, tỷ lệ chậm, hủy chuyến đã cao hơn bình thường.
Ông Cường cũng liệt kê thời điểm tháng 2 và tháng 3, khi các chuyến bay đến Sân bay: Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh liên tục bị chậm, hủy do sương mù và tầm nhìn hạn chế. Riêng Sân bay Cát Bi còn phải đóng cửa để sửa chữa đường cất, hạ cánh bị bong hay vụ sét đánh khiến một số trang thiết bị tại cảng hàng không này bị hư hại, ảnh hưởng trực tiếp và dây chuyền đến nhiều chuyến bay.
Đặc biệt, hồi giữa tháng 7, ông Cường cho biết tại Sân bay Tân Sơn Nhất, do phải đóng cửa đường băng để sửa chữa (từ 16 -19/7 đúng cao điểm vận chuyển khách du lịch nội địa) khiến năng lực khai thác giảm từ 35 xuống 30 chuyến. Thêm vào đó, do phải ưu tiên hoạt động khai thác quốc tế nên các hãng hàng không đã phải điều chỉnh lịch bay nội địa, làm tăng tỷ lệ chậm chuyến trong thời điểm này lên tới 24,5%.
Bớt nỗi lo mất cắp hành lý ký gửi
Cùng với việc giảm số chuyến bay chậm, hủy thì số vụ việc liên quan đến mất tài sản trong hành lý, hàng hóa tại các cảng hàng không đã giảm rõ rệt trong quý III. Điều này thể hiện nỗ lực lớn của cơ quan chức năng trong việc nâng chất lượng dịch vụ hàng không.
“Các đơn vị đã thực hiện quyết liệt các giải pháp chống mất cắp hành lý vận chuyển hàng không theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, số vụ mất cắp hành lý giảm rõ rệt. Lực lượng an ninh hàng không đã chủ động phòng ngừa, xác minh và xử lý vụ việc để trả lại tài sản cho hành khách”, ông Cường nói.
Tình trạng thất lạc, mất hành lý ký gửi tại các sân bay đã giảm rõ rệt
Thực tế, tại các cảng hàng không lớn trên cả nước như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các biện pháp mạnh đã được áp dụng. Đại diện CHK Nội Bài cho biết, sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc và có nhiều biện pháp chống mất cắp hành lý ký gửi tại sân bay, CHK Quốc tế Nội Bài đã áp dụng nhiều biện pháp tăng cường giám sát nội bộ.
Cụ thể, biện pháp kiểm tra trực quan và soi chiếu an ninh được áp dụng, đảm bảo không để kẻ gian tuồn hành lý móc trộm hoặc tài sản bỏ quên của khách ở trong khu vực cách ly ra bên ngoài. Ngoài ra, nhân viên sân bay khi vào khu vực hạn chế, khu vực cách ly để làm việc đều phải đi qua cửa soi chiếu an ninh và bị kiểm tra trực quan đồ đạc mang theo. Trước khi về, bộ phận làm việc, các nhân viên đều bắt buộc phải khai báo và ký tên xác nhận về những tài sản như: iPad, loại điện thoại sử dụng, máy tính xách tay, đồ dùng có giá trị…
Công khai vé bán, “chạy đua” nâng cấp dịch vụ
Liên quan đến vấn đề vé bán, tình trạng mua vé thì hết chỗ nhưng lên tàu bay vẫn còn chỗ trống gây nhiều bức xúc cho hành khách thời gian qua đã được giải tỏa sau khi có chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc công khai, minh bạch hóa công tác bán vé, đặt chỗ tại các cảng hàng không sân bay.
Đến thời điểm này, Jetstar Pacific đã thực hiện lắp màn hình lớn hiển thị thông tin về chuyến bay, tình trạng còn chỗ/hết chỗ, giá vé đang mở bán tại tất cả các cảng hàng không sân bay lớn trên cả nước. Vietjet Air sau khi hoàn tất lắp đặt tại Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất cũng đang tiếp tục triển khai tại các sân bay khác. Riêng Vietnam Airlines đã hoàn tất lắp đặt tại tất cả các cảng hàng không mà hãng này khai thác đi/đến.
Thông tin đầy đủ các chuyến bay trên bảng thông báo điện tử tại mỗi sân bay
Thực tế, việc công khai tình trạng chỗ tại quầy vé sân bay, minh bạch thông tin vé bán chỉ là một phần trong kế hoạch nâng chất lượng phục vụ hành khách của các hãng hàng không. Cách đây không lâu, Vietnam Airlines đã triển khai quy trình làm thủ tục trực tuyến mới. Theo đó, hành khách làm thủ tục trực tuyến (cả website và mobile check-in) không có hành lý ký gửi có thể vào thẳng cửa kiểm tra an ninh hàng không.
Trước đó, Vietnam Airlines cũng hợp tác với Jetstar Pacific (JPA), tạo điều kiện cho khách mua vé của Vietnam Airlines có thể đi trên chuyến bay của JPA nhưng vẫn được hưởng chính sách hành lý miễn cước của Vietnam Airlines, được cung cấp suất ăn miễn phí (bữa chính/bữa ăn nhẹ) tùy theo độ dài chuyến bay.
Với Jetstar, hồi cuối tháng 5, hãng này đã công bố giá trị mới hướng tới khách hàng. Với slogan của giá trị mới: “Giá rẻ hàng ngày, hài lòng khi bay”, Jetstar Pacific tiếp tục cam kết cung cấp vé máy bay giá rẻ mỗi ngày cho hành khách. Không kém cạnh, hãng hàng không mới nổi Vietjet Air cũng mang tới thêm tiện ích cho khách hàng khi quyết định cung cấp thêm hạng vé SkyBoss…
Anh Nguyễn Văn Dũng (Cổ Nhuế, Hà Nội) cho biết, vợ chồng anh vừa bay từ Hà Nội vào Sài Gòn để đi Phan Thiết. Nhờ được sử dụng thẻ lên tàu bay hiển thị trên màn hình điện thoại di động mà anh đã tự làm thủ tục trực tuyến trước đó, vợ chồng anh đến thẳng cửa kiểm tra an ninh hành khách mà không phải vào quầy làm thủ tục, đỡ được khâu xếp hàng, lại được chọn chỗ.
Nguồn caa.gov.vn