Tất cả mọi việc cứ bình lặng tiến triển nếu không có những đột phá. Đột phá là những phương pháp đặc trưng để làm thay đổi về chất, để đạt mục tiêu một cách nhanh chóng.
Mỗi quốc gia từng giai đoạn khác nhau cần có những bước đột phá để nhanh chóng đạt được một thành quả nhất định của mình. Mỗi một doanh nghiệp mỗi giai đoạn cần phải có những bước đột phá để đạt được những mục tiêu khác nhau. Những đột phá ấy có thể là thay đổi công nghệ có thể là thay đổi cách quản lý để nâng cao hiệu quả, có thể là đào tạo, tiếp nhận một nguồn nhân lực cao để đạt năng suất và chất lượng sản phẩm tốt nhất. Nói chung là tùy hoàn cảnh, điều kiện và mục tiêu đề ra để có những hướng đột phá và cách tiếp cận đúng nhất để đạt mục tiêu nhanh nhất.
Ở thời chúng tôi trước năm 1992 hệ thống thông tin của ngành Hàng không và Quản lý bay đều dùng các thiết bị cũ do Liên Xô sản xuất hoặc các thiết bị tiếp quản từ Mỹ, Ngụy sau chiến tranh. Hệ thống thông tin điểm đối điểm Hà Nội – Đà Nẵng, Hà Nội – TSN thường dùng đơn biên SSB thu được của Mỹ hay SSB mua của Nhật. Ngoài thông tin thoại thì vẫn dùng phương thức thu phát thủ công do báo vụ viên (Moox) thực hiện hoặc cao hơn là dùng hệ thống truyền chữ thu qua băng giấy. Về đường truyền Hà Nội – Nội Bài thường dùng tiếp sức của Liên Xô hoặc thuê của Bưu điện cũng dùng tiếp sức của Liên Xô như loại P404, P405, đường truyền trục Bắc Nam (Hà Nội – Tân Sơn Nhất, Hà Nội – Đà nẵng) thường thuê của Bưu điện qua hệ thống thông tin đối lưu Mà quân đội thu được của Mỹ. Vào thập niên 80 Quản lý bay được tiếp nhận hệ thống thiết bị thông tin của dự án VIE – 78 – 002 tương đối hiện đại nhưng do không chú ý khâu Huấn luyện đào tạo nên hệ thống này nhanh chóng xuống cấp không phát huy hiệu quả. Vì vậy công tác thông tin liên lạc nội bộ và phục vụ điều hành chỉ huy bay hết sức khó khăn trục trặc không đảm bảo yêu cầu nhanh chóng, thông suốt, kịp thời.
Sau khi thành lập Trung tâm thông tin Hàng không do ông Đỗ Hồng Quang làm Giám đốc. Trong ban lãnh đạo chúng tôi thống nhất cần nhanh chóng đầu tư thiết bị công nghệ mới để cải thiện chất lượng thông tin phục vụ tốt cho công tác chỉ huy quản lý, đặc biệt là điều hành bay, song lúc nguồn tài chính đều phải xin Tổng Cục (thời đó nước ta đang bị Mỹ cấm vận hết sức khó khăn). Nguồn ngoại tệ chỉ có Tổng Cục được sử dụng chúng ta chỉ được dùng nội tệ, Ngành Hàng không cũng chưa có cơ quan trực tiếp xuất nhập khẩu.
Chúng tôi bàn bạc thống nhất đầu tư ba loại thiết bị trọng điểm:
1. Một hệ thống tổng đài mới hiện đại để cải thiện thông tin nội bộ trong ngành và trong Tổng Công ty Hàng không.
2. Đầu tư một hệ thống Vi ba số mới nhất để thay thế hệ thống thiết bị cũ và hệ thống vi ba Pless Sey của dự án VIE – 78 – 002 mà chất lượng thông tin rất kém để bảo đảm chất lượng thông tin Gia Lâm – Nội Bài – Hà Nội.
3. Đầu tư hệ thống chuyển điện văn đi tự động AMSS mà ta chủ động về thiết bị máy móc, phần mềm để không phải thuê của Tân Sơn Nhất nữa hết sức bị động.
Thống nhất xong anh Quang chủ trì hai dự án AMSS và Vi Ba tôi chủ trì dự án tổng đài.
Sau khi được duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật, do không được tiêu ngoại tệ và xuất nhập khẩu thiết bị nên các thiết bị như Vi Ba, tổng đài chúng tôi tìm chọn chủng loại và đối tác nước ngoài nhưng đều phải mua qua Bưu điện bằng nội tệ. Còn máy tính thì phải mua qua một bộ phận của Tổng công ty nhập. Chúng tôi cùng anh em kỹ thuật viên làm việc hết sức khẩn trương và đến cuối năm 1992 tất cả các dự án đều hoàn thành và đưa vào sử dụng còn đường truyền Hà Nội – Đà Nẵng, Hà Nội – Tân Sơn Nhất vẫn thuê của Bưu điện.
Sau khi dự án hoàn thành và khi hệ thống Hà Nội – Đà Nẵng – Tân Sơn Nhất được đầu tư sau này thì hệ thống tin của quản lý bay hoàn toàn vững chắc chấm dứt thông tin báo vụ thủ công và truyền chữ, chấm dứt cảnh mất thông tin với Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng đảm bảo thông tin nội bộ trong Tổng công ty luôn thông suốt.
Từ đó đến nay tại Trung tâm thông tin – Trung tâm dịch vụ Quản lý bay và Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay còn nhiều những đột phá mới, mỗi một đột phá trong từng thời điểm luôn mở ra những diên mạo mới cho đơn vị.
Ví dụ:
– Sản xuất hệ thống giàn phản xạ Anten DVOR/DME
– Sản xuất hệ thống đèn hiệu
– Áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001 : 2000
– Tiếp nhận lắp đặt, đảm bảo kỹ thuật, khai thác toàn bộ hệ thống đài DVOR/DME trên toàn quốc…
Mong rằng sắp tới công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay sẽ còn những bức đột phá mới để làm nên thương hiệu của mình nổi tiếng trong ngành, trong nước và cả ở nước ngoài.
Tháng 6/2015
Tác giả: Nguyễn Lương Bang
Nguyên Quyền Giám đốc Xí nghiệp điện tử Hàng không
Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Hàng không