Vừa qua, Airlineratings.com là website uy tín thế giới về việc đánh giá mức độ an toàn, chất lượng dịch vụ của hơn 435 hãng hàng không toàn cầu đã đánh giá và xếp hạng 3 hãng hàng không của Việt Nam là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific đạt mức an toàn cao nhất (7/7 sao) là minh chứng khích lệ đối với công tác an toàn của ngành Hàng không Việt Nam.
Tiêu chí xếp hạng cụ thể của Airlineratings đối với công tác an toàn của các hãng hàng không như sau: được Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cấp giấy chứng nhận IOSA (3 sao); 10 năm liên tục không xảy ra tai nạn tàu bay (1 sao); Hãng hàng không không bị liệt vào danh sách cấm bay châu Âu (1 sao); Nhà chức trách quốc gia khai thác đáp ứng các yêu cầu của ICAO (1 sao); Nhà chức trách hàng không quốc gia khai thác được Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA) xếp loại 1 về tuân thủ các quy định của ICAO (1 sao). Tham khảo https://www.airlineratings.com/safety-rating-criteria/.
Như vậy, ngành Hàng không Việt Nam đã và đang duy trì tốt thành tích 21 năm liên tục đảm bảo an toàn không để xảy ra tai nạn tàu bay được cộng đồng quốc tế công nhận. Bên cạnh các nỗ lực rất lớn của các hãng hàng không trong công tác an toàn để đạt được điểm tối đa theo các tiêu chí xếp hạng của Airlineratings.com (tối đa 5/7 sao) đối với hãng, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đóng vai trò quan trọng trong việc tích cực hoàn thiện hệ thống giám sát an toàn hàng không trên 8 yếu tố trọng yếu (Critical Elements) của ICAO để đạt được điểm xếp hạng tổng thể tối đa là 7/7 sao. Các yếu tố trọng yếu bao gồm: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn hàng không (Luật HKDD và Bộ quy chế an toàn hàng không); Cơ cấu tổ chức hệ thống giám sát an toàn hàng không; công tác huấn luyện, đào tạo đội ngũ giám sát viên an toàn; Sổ tay hướng dẫn công tác giám sát an toàn; Công tác phê chuẩn, cấp phép; Công tác giám sát sau phê chuẩn, cấp phép; và áp dụng chế tài.
Trong năm 2016, Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã tổ chức đánh giá về mức độ tuân thủ với các quy định của ICAO trên các lĩnh vực Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn hàng không (LEG), Cấp phép nhân viên hàng không (PEL), Quản lý hoạt động bay (ANS), Quản lý cảng hàng không, sân bay (AGA). Ngoài các lĩnh vực đã đạt được mức độ tuân thủ khá cao như Tiêu chuẩn đủ điều kiện bay (AIR) đạt 75 %, Khai thác tàu bay (OPS) đạt 67 % và Điều tra sự cố tai nạn tàu bay đạt 68 % (các lĩnh vực này chưa được đoàn công tác ICAO kiểm chứng trong năm 2016 do thiếu chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan), sự tiến bộ trong các lĩnh vực AGA và ANS đã nâng tỷ lệ đáp ứng các quy định của ICAO của Việt Nam lên 68%, vượt mức an toàn toàn cầu của ICAO đề ra là 62% và đạt được mục tiêu do Cục HKVN đặt ra là 67%.
Năm 2018, FAA đã tiến hành đánh giá an toàn đối với Cục HKVN trên 8 yếu tố trọng yếu để phân loại việc tuân thủ các quy định an toàn của ICAO và được đánh giá là đảm bảo an toàn. Theo kết quả được báo cáo 4 yếu tố trong yếu bao gồm Luật HKDD, Bộ quy chế an toàn hàng không, Công tác giám sát sau phê chuẩn, cấp phép và áp dụng chế tài hoàn toàn đáp ứng các quy định của ICAO, 14 khuyến cáo của FAA trong các lĩnh vực còn lại đều là các khuyến cáo có thể khắc phục sớm và không mang tính hệ thống theo đánh giá của Công ty tư vấn an toàn AVSOG (đơn vị thực hiện Dự án nâng cao năng lực giám sát an toàn của Cục HKVN do USTDA tài trợ) và Boeing. Việc kiểm tra công tác khắc phục sẽ được FAA tiến hành vào đầu tháng 11, kết quả công tác khắc phục sẽ là cơ sở cho việc phân loại Mức 1 đối với Cục HKVN.
Tiếp theo việc đạt Mức 1 theo phân loại của FAA về tuân thủ các quy định an toàn của ICAO, Cục HKVN sẽ cập nhật việc tuân thủ với quy định của ICAO trên các lĩnh vực Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn hàng không (LEG), Cấp phép nhân viên hàng không (PEL), Tiêu chuẩn đủ điều kiện bay (AIR), Khai thác tàu bay (OPS) và phấn đấu đến năm 2020 đạt được tỉ lệ triển khai hiệu quả hệ thống giám sát an toàn hàng không (EI) đạt 80% – 90%.
Các nỗ lực tích cực của Cục HKVN và các hãng hàng không trong công tác đảm bảo an toàn hàng không đựợc cộng đồng quốc tế ghi nhận sẽ tiếp tục làm nền tảng cho việc phát triển bền vững của ngành Hàng không trong thời gian tới. Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, ngành Hàng không Việt Nam cần tiếp tục đầu tư nguồn nhân lực có đủ trình độ, năng lực trong công tác giám sát và đảm bảo an toàn hàng không, đặc biệt phải đẩy mạnh triển khai công tác đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Cục HKVN để bổ sung kịp thời nguồn lực cho hệ thống giám sát an toàn bay (giám sát viên bay), giám sát tiêu chuẩn đủ điều kiện bay và đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động bay và khai thác cảng hàng không sân bay đảm bảo đến năm 2022 sẽ cắt giảm 50% việc thuê đội ngũ giám sát viên bay từ các hãng hàng không và tuân thủ đầy đủ các quy định của quốc tế về đội ngũ giám sát viên an toàn hàng không.
Nguồn caa.gov.vn
Các tin liên quan
- Tăng năng lực điều hành bay của ATCC Hà Nội lên gấp đôi
- Vietjet ký kết hợp đồng kỹ thuật với Lufthansa Technik AG (Đức)
- Jetstar Pacific mở thêm 3 đường bay giá rẻ nội địa mới
- Hội nghị Triển khai kế hoạch công tác quản lý và bảo đảm hoạt động bay năm 2017
- Cục Hàng không Việt Nam đạt chứng chỉ CAT 1 của FAA