Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh chia sẻ về việc tham gia vào Bầu trời mở ASEAN, cơ hội và thách thức với các hãng hàng không cũng như việc người dân được hưởng lợi gì từ Bầu trời mở.
Sân chơi chung với chính sách đồng nhất
Gần đây, trong hàng không, người ta hay nhắc đến khái niệm Bầu trời mở ASEAN. Hiểu theo cách đơn giản nhất thì bầu trời mở là gì, thưa ông?
Có thể hiểu đơn giản thế này, trước kia, trong hàng không, các quốc gia ký với nhau một Hiệp định mang tính điều tiết. Điều này có nghĩa là Nhà nước can thiệp trực tiếp vào việc cho phép số lượng đường bay, số lượng hãng hàng không tham gia thị trường, số lượng điểm đi, điểm đến, tần suất bay… Sự điều tiết này có thể không phải dựa trên cơ sở thị trường mà có thể quyết định trên việc bảo vệ lợi ích của hãng hàng không.
Vì vậy, vào đầu những năm 2000, đã có sáng kiến thành lập một thị trường hàng không thống nhất ASEAN (ASEAN Single Aviation Market – ASAM), thực hiện Bầu trời mở ASEAN. Bầu trời mở giống như một sân chơi chung với các chính sách đồng nhất. Nghĩa là khi chúng ta có được đặc quyền này thì các hãng hàng không khác trong ASEAN cũng sẽ có đặc quyền đó.
Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh, những vấn đề về kỹ thuật như đảm bảo an ninh an toàn, công nhận giấy phép, tuân thủ các quy định của mỗi quốc gia thì như nhau. Chúng ta chỉ mở hai lĩnh vực cơ bản nhất. Về giá, trước kia anh phải trình nhà chức trách phê duyệt thì theo Bầu trời mở, anh hoàn toàn tự do áp dụng giá theo điều tiết thị trường. Lĩnh vực thứ hai, cũng là nội dung cốt yếu nhất, quan trọng nhất của Bầu trời mở chính là việc tự do hóa quyền tiếp cận thị trường. Hay nói cách khác, thực hiện Bầu trời mở tức là sẽ điều tiết theo thị trường. Muốn bay đến điểm nào, thiết lập đường bay ra sao, bay một tuần bao nhiêu chuyến, máy bay loại gì… tất cả đều do hãng hàng không tự quyết định dựa trên nhu cầu của thị trường.
Được biết, chính sách Bầu trời mở ASEAN thực hiện theo nguyên tắc linh hoạt. Tức là nước nào sẵn sàng thì tham gia ký kết phê duyệt Hiệp định. Nước nào chưa sẵn sàng, có thể tham gia sau. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tham gia Bầu trời mở đến mức nào, thưa ông?
Đến năm 2013, thực hiện Bầu trời mở ASEAN, ba Hiệp định đa biên về tự do hóa hoàn toàn dịch vụ vận tải hàng hóa và dịch vụ vận tải hành khách đã được ký kết, đi kèm là các Nghị định thư thực hiện để tự do hóa thương quyền 3, 4, 5 giữa bất kỳ thành phố có sân bay quốc tế nào trong ASEAN.
Cho đến nay, Việt Nam cùng với Singapore, Thái Lan, Brunei, Malaysia và gần đây nhất là Campuchia đã phê duyệt hoàn toàn ba Hiệp định và các Nghị định thư thực hiện. Các nước khác như Philippines, Myanmar, Indonesia và Lào thì vẫn còn một số Nghị định thư chưa được phê duyệt. Ba Hiệp định đa biên này là nội dung chính yếu của thị trường hàng không thống nhất ASEAN, là một trong những nội dung của Cộng đồng kinh tế ASEAN vừa được thiết lập.
Mở cửa bầu trời, khách hàng có thêm nhiều lựa chọn về đường bay, hãng bay với chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao
Trao cơ hội cho tất cả các hãng hàng không
Theo ông, các hãng hàng không trong nước đã thực sự sẵn sàng cho Bầu trời mở?
Thực chất, các hãng hàng không của Việt Nam đã có nhiều năm cạnh tranh trong môi trường tự do hóa rồi. Trong khu vực Đông Nam Á, đến thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines đã cơ bản hoàn thiện mạng bay, khai thác với tần suất tương đối dày đặc. Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng đã đầu tư đội bay A321 (hơn 50 chiếc) phù hợp với việc khai thác trong khu vực. Các hãng mới như Vietjet Air, Jetstar Pacific cũng đã bắt đầu khai thác tương đối tốt các thị trường ASEAN.
Cuối cùng, hành khách sẽ được hưởng lợi gì trong Bầu trời mở, thưa ông?
Cái lợi nhất của hành khách chính là cơ hội lựa chọn nhiều hơn, chất lượng dịch vụ tốt hơn. Thực tế, thực hiện Bầu trời mở, số lượng tần suất bay được gia tăng, nhiều đường bay mới được mở. Như đường bay Singapore – Việt Nam, hiện giờ có rất nhiều hãng hàng không đang khai thác như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Singapore Airlines, Jetstar Asia, Silk Air, Tiger Air… với tổng số hơn 20 chuyến bay/ngày, bao gồm cả dịch vụ đầy đủ và dịch vụ tối thiểu, cả giá cao và giá rẻ. Nói ra để thấy có rất nhiều lựa chọn cho hành khách.
Xin cảm ơn ông!
"Tôi muốn nhấn mạnh, thực hiện Bầu trời mở không có nghĩa là nhà nước không can thiệp hoàn toàn. Trong Bầu trời mở, có quy định rất cụ thể những trường hợp nhà nước được can thiệp trực tiếp. Ví dụ, trường hợp lợi dụng vị thế độc quyền để bóp méo cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh. Tất nhiên, khi đó nhà nước phải chứng minh được là hãng hàng không đó lợi dụng vị thế độc quyền để cạnh tranh" – Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không VN.
|
(Nguồn: baogiaothong.vn)