Từ ngày 09 đến 11 tháng 4 năm 2019 tại Singapore diễn ra Hội nghị trao đổi kỹ thuật (TIM-2.5) thuộc Dự án triển khai thử nghiệm SWIM trong khu vực ASEAN do Cục hàng không Singapore chủ trì.
Hội nghị có sự tham gia của các quốc gia/tổ chức trong khuôn khổ dự án. Dự án triển khai thử nghiệm SWIM trong khu vực ASEAN là dự án được hợp tác giữa ASEAN và Hoa Kỳ với mục tiêu chỉ ra các lợi ích khai thác tiềm năng và thử nghiệm một số mô hình hình triển khai SWIM cho khu vực ASEAN và Châu Á – Thái Bình Dương.
Đoàn công tác Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) do đồng chí Phó Tổng Giám đốc Lê Quốc Khánh làm trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị.
Hội nghị trao đổi kỹ thuật thuộc Dự án triển khai thử nghiệm SWIM trong khu vực ASEAN
Hội nghị trao đổi kỹ thuật lần này tiến hành rà soát các kịch bản thử nghiệm đã được đề cập tại TIM-1/2 và phân công, xác nhận các Quốc gia tham gia mỗi kịch bản; trình bầy, thảo luận một số kịch bản mới được đề xuất. Các bên tham gia hội nghị cùng xây dựng các kịch bản dữ liệu, lưu đồ luồng dữ liệu và kịch bản thử nghiệm cũng như thảo luận các yêu cầu vận hành khai thác và kỹ thuật. Hội nghị cũng trình diễn một số kịch bản đã hoàn thiện để các bên tham gia hiểu và nắm bắt những công việc cần thiết, cách thức triển khai cho ngày thử nghiệm chính thức. Đồng thời, Hội nghị thống nhất mốc thời gian thực hiện các bước tiếp về kịch bản thử nghiệm chuẩn bị cho ngày thử nghiệm chính thức vào tháng 11 năm 2019.
Hội nghị đã đề xuất và nhất trí VATM làm trưởng nhóm 01 kịch bản thử nghiệm (kịch bản: Đổi đường bay trong giai đoạn tiền chiến thuật do đóng cửa đường bay điều kiện CDR). Ngoài ra, VATM tham gia vào 02 kịch bản thử nghiệm do AEROTHAI và FAA làm trưởng nhóm. Theo đó, các nội dung thực hiện tại hội nghị gồm mô tả kịch bản, kịch bản dữ liệu, biểu đồ luồng dữ liệu và kịch bản thử nghiệm.
Việc tham gia các kịch bản thử nghiệm của dự án sẽ mong đợi các lợi ích về khai thác: Nâng cao khả năng dự đoán và lập kế hoạch và quản lý tài nguyên hệ thống bằng cách cập nhật thông tin bổ sung diễn biến chuyến bay trong cấu trúc dữ liệu định dạng FIXM, so với môi trường hiện tại đang sử dụng các mẫu điện văn ATS; Nâng cao nhận thức tình huống giữa các bên liên quan hỗ trợ việc phối hợp ra quyết định; Nâng cao khả năng xử lý thông tin tự động dẫn đến cách tiếp cận làm việc hiệu quả hơn và giảm khối lượng công việc trong quá trình điều hành chuyến bay.
Kế hoạch tiếp theo của dự án sẽ tiếp tục hoàn thiện kịch bản thử nghiệm, chuẩn bị mẫu điện văn thử nghiệm khi hạ tầng kết nối GEMS (Global Enterprise Messaging Service) của khu vực được hoàn tất. Dự kiến tháng 11/2019 dự án sẽ thử nghiệm chính thức.
Quản lý thông tin thông qua hệ thống mở rộng (SWIM) được coi là động lực chính để tăng cường khả năng tương tác hệ thống quản lý không lưu (ATM), mang lại hiệu quả cao trong việc cung cấp dịch vụ không lưu. SWIM là một phần không thể tách rời của Kế hoạch Không vận toàn cầu của ICAO (GANP), đặc biệt là Nâng cấp Khối hệ thống Hàng không (ASBU), lần đầu tiên được thông qua tại Hội nghị Hàng Không lần thứ 12 (AN-Conf/12) của ICAO vào năm 2012. Sau đó, SWIM được đánh dấu là một trong những mục tiêu chiến lược của khu vực xác định trong Kế hoạch ATM Seamless Châu Á Thái Bình Dương v2.0 được chấp thuận bởi Cuộc họp lần thứ 27 của Nhóm khu vực lập Kế hoạch và Thực hiện Châu Á/ Thái Bình Dương của ICAO (APANPIRG/27) vào năm 2016. Được coi là mạng Intranet cho ngành hàng không, cho phép quản lý thông tin ATM và trao đổi giữa các bên có đủ điều kiện, SWIM là một phần quan trọng của Seamless ASEAN Sky và sẽ là một trong những yếu tố chính trong Kế hoạch Tổng thể về ATM của ASEAN sẽ được thông qua và thực hiện trong khuôn khổ Kế hoạch Chiến lược Giao thông vận tải ASEAN 2016-2025. |
Nguồn vatm.vn
- Quản lý luồng không lưu và những lợi ích mang lại cho các bên tham gia
- Vietnam Airlines chính thức là Hãng hàng không quốc tế 4 sao
- VATM: Chuyển đổi thành công phương thức bay mới tại Nội Bài
- Vietnam Airlines và Sabre ký kết hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin hàng không
- AirbridgeCargo khai trương đường bay Moscow – Hà Nội – Hồng Kông