Từ ngày 3-8/3/2018, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã thành lập đoàn công tác do Tổng giám đốc làm trưởng đoàn tham dự các sự kiện do Tổ chức các Nhà cung cấp dịch vụ Bảo đảm hoạt động bay (CANSO) tổ chức tại thành phố Madrid, Tây Ban Nha, trong đó có Đại hội Quản lý không lưu thế giới 2018 do CANSO phối hợp với Hiệp hội Kiểm soát viên không lưu (ATCA) tổ chức tại Trung tâm triển lãm IFEMA của Madrid, được ủng hộ bởi các Nhà cung cấp dịch vụ Bảo đảm hoạt động bay và các hãng sản xuất trang thiết bị trong ngành.
Tập hợp toàn bộ cộng đồng quản lý không lưu cấp cao, sự kiện này bao gồm các triển lãm quy mô lớn, các hội nghị đẳng cấp thế giới và là cơ hội hàng đầu cho các thành viên kết nối và tìm hiểu về sự phát triển cũng như những xu hướng quản lý không lưu mới nhất.
Toàn cảnh triển lãm tại Đại hội Quản lý không lưu thế giới 2018
Trong khuôn khổ Đại hội Quản lý không lưu thế giới 2018, bên cạnh các cuộc gặp gỡ và trao đổi với các công ty Frequentis, Thales, Mitre, Airmap, Harris, Sitaonair, Indra, Rohde & Schwarz, Airways New Zealand, Aeropath…, để tìm hiểu thêm về các giải pháp công nghệ liên quan đến lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay nhằm xem xét và lựa chọn các giải pháp, công nghệ phù hợp cho hệ thống trang thiết bị điều hành bay, phương thức điều hành, phương thức khai thác nhằm nâng cao năng lực vùng trời, nâng cao năng lực an toàn điều hành bay và chất lượng cung cấp dịch vụ điều hành bay, đoàn công tác của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng đã phối hợp với Công ty NAVBLUE/Airbus thực hiện chương trình diễn thuyết tại Đại hội với chủ đề “Delivering Outstanding Airspace Re-design: The Three to Thrive!” nhằm chia sẻ kinh nghiệm về những yếu tố chủ chốt trong lĩnh vực thiết kế vùng trời hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực điều hành bay. NAVBLUE hiện đang là đối tác của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trong Chương trình Hợp tác Quản lý không lưu tại Việt Nam đã được triển khai từ tháng 12/2016 và dự kiến kéo dài trong 3 năm.
Đại diện Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và Công ty NAVBLUE trong chương trình diễn thuyết chung
tại Đại hội Quản lý không lưu thế giới 2018
Trong chương trình diễn thuyết chung, đại diện Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã nêu bật những khó khăn, thách thức liên quan đến tình hình tăng trưởng hàng không mạnh mẽ tại Việt Nam trong những năm gần đây đã có ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tổ chức vùng trời và cung cấp dịch vụ điều hành bay, từ đó nhấn mạnh những mục tiêu chính mà Tổng công ty cần đạt được trong thời gian tới để có thể đáp ứng yêu cầu tăng trưởng như nâng cao năng lực vùng trời, nâng cao hệ số an toàn, xác định những lĩnh vực cần được đầu tư và tối ưu hóa nhằm đảm bảo năng lực điều hành bay tối đa có thể lên đến 54 chuyến/giờ tại hai sân bay chính là Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Trên quan điểm của các chuyên gia đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực triển khai PBN (Dẫn đường theo tính năng) trên khắp thế giới, đại diện NAVBLUE đã chia sẻ những bài học thực tiễn và các biện pháp chủ chốt để có thể giúp Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam nói riêng và các Nhà cung cấp dịch vụ Bảo đảm hoạt động bay nói chung hiện thực hóa được những mục tiêu đề ra thông qua ba yếu tố chính:
1) Khai thác những lợi ích tiềm năng của PBN: NAVBLUE nhấn mạnh việc áp dụng PBN vào công tác thiết kế vùng trời, đường hàng không và phương thức bay sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực cho các Nhà cung cấp dịch vụ Bảo đảm hoạt động bay và Nhà khai thác như nâng cao năng lực, nâng cao an toàn, tối ưu hóa hoạt động bay, tiết kiệm nhiên liệu, giảm khí phát thải bảo vệ môi trường…
2) Tối ưu hóa phương pháp quản lý sự thay đổi giữa các bên có liên quan: NAVBLUE đề cao sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ giữa các bên có liên quan tham gia vào quá trình tổ chức thiết kế vùng trời, phương thức bay và triển khai áp dụng PBN sẽ đem lại hiệu quả cao nhất trong giai đoạn khai thác thực tế sau này dựa trên những thành quả đạt được từ tất cả các bên.
3) Sử dụng các công cụ mô phỏng: NAVBLUE cho thấy tầm quan trọng của khả năng đánh giá hiệu quả các phương án tổ chức vùng trời, phương thức bay, phương thức khai thác và cơ sở hạ tầng dựa trên những công cụ mô phỏng như Fast Time Simulation, Full Flight Simulator… sẽ góp phần vào việc ra quyết định triển khai thực hiện phương án tối ưu nhất cho các Nhà cung cấp dịch vụ Bảo đảm hoạt động bay thông qua dữ liệu phân tích và nhận định đầu ra sau quá trình chạy mô phỏng trên các công cụ này.
Từ tháng 12/2016, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã tích cực phối hợp và làm việc với NAVBLUE triển khai các nội dung công việc đã ký kết trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Quản lý không lưu tại Việt Nam theo khung tiến độ dự án đã được hoạch định nhằm đạt được mục tiêu tăng cường hiệu quả năng lực vùng trời khu vực hai sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, tối ưu hóa luồng không lưu giữa hai thành phố thông qua việc thiết kế, áp dụng các phương thức bay mới và tư vấn các phương án tối ưu hóa khai thác tại sân cho mỗi sân bay. Mục tiêu cụ thể của Chương trình nhằm tăng năng lực khai thác lên 54 chuyến/giờ tại hai sân bay nêu trên, giảm phân cách ngang trong khu vực kiểm soát tiếp cận từ 5NM xuống 3NM và phân cách ngang trong khu vực kiểm soát đường dài từ 10NM xuống 5NM.
Ban Lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trong một buổi tiếp
và làm việc với Đoàn công tác của Công ty NAVBLUE/Airbus
Đến giữa tháng 4/2018 (15 tháng kể từ ngày triển khai Chương trình), dự án cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đã hoàn thành việc rà soát phương án thiết kế phương thức bay chi tiết với sự tham gia của tất cả các bên có liên quan, tiếp theo NAVBLUE sẽ bàn giao gói thiết kế phương thức bay cuối cùng cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam để trình Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt và dự kiến áp dụng từ tháng 9/2018. Song song với Tân Sơn Nhất, dự án cho khu vực sân bay Nội Bài cũng chuẩn bị bước sang cuộc họp rà soát phương án thiết kế phương thức bay chi tiết trong tháng 5 tới đây trước khi NAVBLUE chuyển giao gói thiết kế cuối cùng cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam để tiến hành các thủ tục tiếp theo. Bên cạnh các dự án thiết kế phương thức bay mới, phía NAVBLUE cũng đã có kết quả nghiên cứu và báo cáo về đề xuất phương án tổ chức lại sân đỗ, phân tích thiết kế đường lăn thoát ly nhanh tại sân bay Tân Sơn Nhất để Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam xem xét, vận dụng nhằm tối ưu hóa hoạt động khai thác tại sân bay.
Nguồn vatm.vn
- Tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi về dịch vụ Không lưu và dịch vụ Thông báo tin tức hàng không
- Vietjet bay hàng ngày chặng TP.HCM – Đài Bắc
- Tăng cường hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ lĩnh vực hàng không
- Hàng không Việt Nam thuộc hàng an toàn nhất TG
- Vietjet ký hợp đồng mua 100 tàu bay Boeing 737 MAX 200