Một trong những chức năng nhiệm vụ cơ bản luôn được nhắc đến khi nói về Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay (ATTECH) trong những năm gần đây và hiện nay đó là “Cung cấp dịch vụ kỹ thuật quản lý bay và phát triển công nghiệp Hàng không”.
Nội dung này luôn được nêu trong các Nghị quyết Đảng ủy Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (TCT QLB VN) và Định hướng phát triển ngành Hàng không của Bộ Giao thông vận tải. Vậy câu hỏi đặt ra: “Từ khi nào ATTECH đã bắt đầu có ý tưởng và thực hiện việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật và phát triển công nghiệp Hàng không?”
Năm 1986 trước yêu cầu phát triển của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam, Xí nghiệp Điện tử hàng không (tiền thân của ATTECH ngày nay) ra đời với mục tiêu xây dựng một đơn vị làm kỹ thuật điện tử chung cho toàn ngành Hàng không dân dụng Việt Nam. Vào những năm đầu tiên khi mới thành lập, các lãnh đạo ngành Hàng không, Cục Quản lý bay và lãnh đạo Xí nghiệp điện tử Hàng không đã có những bước đi nhắm tới mục đích “Cung cấp dịch vụ kỹ thuật và phát triển công nghiệp Hàng không” theo đúng mục tiêu mà ngành Hàng không đề ra.
Cuối năm 1986 sau khi tốt nghiệp đại học từ Liên xô trở về, Tôi được nhận vào công tác tại Xí nghiệp ĐTHK. Ngay từ những ngày đầu, Tôi đã thấy mình thật may mắn khi được làm việc tại một môi trường năng động, nhộn nhịp và đầy trách nhiệm; được cộng tác, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với những kỹ sư chuyên ngành trình độ cao tốt nghiệp tại những trường đại học hàng đầu của Việt nam như Bách khoa, Giao thông vận tải…
Đầu năm 1989, Xí nghiệp điện tử Hàng không và Đội khai thác thông tin C29 được sát nhập tạo thành Trung tâm Thông tin Hàng không – có chức năng khai thác và đảm bảo kỹ thuật của cơ quan Tổng công ty hàng không Việt Nam. Như vậy Xí nghiệp điện tử Hàng không cũng như Trung tâm thông tin HK sau này đã có và hình thành hai định hướng phát triển rất rõ ràng: Một là, Cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho Tổng công ty HK VN (Trong đó khai thác, đảm bảo kỹ thuật cho ACC Hà Nội, các cơ quan Tổng công ty HK VN tại Gia Lâm và dịch vụ truyền tin Hàng không quốc tế SITA) và các đơn vị khác trong ngành Hàng không; Hai là, Nghiên cứu, chế tạo sản xuất các thiết bị điện tử.
Lắp đặt hệ thống DVOR/DME tại Dhaka, Bangladesh -2008 |
Thời điểm đó, trang thiết bị tại khu vực Gia Lâm chủ yếu gồm thiết bị của Liên Xô cũ do quân sự để lại và thiết bị của các nước Tây Âu do ICAO tài trợ. Với trình độ, năng lực chuyên môn và ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật Xí nghiệp lúc bấy giờ, việc làm chủ để khai thác, sửa chữa trang thiết bị của Liên xô cũ đã được đảm bảo. Tuy nhiên, đối với trang thiết bị của Tây Âu thì thực sự khó khăn khi phải nghiên cứu các tài liệu hướng dẫn khai thác bằng tiếng Anh và thực tế chưa từng được tiếp cận với công nghệ mới, vì vậy khá nhiều các thiết bị này không khai thác được hoặc bị hỏng không sửa chữa được. Đứng trước khó khăn, toàn Xí nghiệp đã quyết tâm phải bằng mọi cách đưa các trang thiết bị này vào khai thác, sử dụng. Với quyết tâm như vậy, toàn Xí nghiệp đã nổi lên phong trào thi đua học tiếng Anh, theo hình thức tham gia các lớp học tại các Trung tâm đào tạo tiếng Anh hoặc thậm chí tự tổ chức lớp học ngay tại Xí nghiệp. Song song với đó, các cán bộ nhân viên ngày đêm đọc dịch tài liệu kỹ thuật, tự nghiên cứu trang thiết bị kỹ thuật cũng như tìm sự trợ giúp tư vấn từ các Thầy cô giáo ở các trường đại học. Đội ngũ kỹ thuật được phân chia thành hai nhóm: Nhóm thiết bị thông tin và nhóm thiết bị dẫn đường. Nhóm thiết bị thông tin tập trung đưa các thiết bị đang không khai thác hoặc hỏng hóc đã lâu vào khai thác như: Máy thu phát truyền chữ điện tử TX – 20, thiết bị Viba số Phillip Plesey, trung tâm chuyển mạch thoại tự động và mở rộng tổng đài thoại. Nhóm thiết bị dẫn đường tập trung khắc phục hỏng hóc và đưa vào khai thác đài VOR/DME Nội Bài, ILS Nội Bài, đài dẫn đường K1 Nội Bài, tiếp đến đài VOR/DME Đà Nẵng, VOR/DME TSN đã hỏng và không khai thác một thời gian dài. Các nhóm hoạt động rất hào hứng, tự giác và tích cực trong công việc không kể ngày đêm. Trong phân xưởng, các trang thiết bị được bầy la liệt, từng nhóm sôi nổi bàn luận giải quyết các vấn đề kỹ thuật… Nhìn các trang thiết bị còn mới, hiện đại nhất Việt Nam thời bấy giờ mà không sử dụng được Tôi cũng như các đồng nghiệp cảm thấy tiếc và đau lòng. Chắc vì lẽ đó đã chạm đến lòng tự ái của những người kỹ thuật bọn tôi nên họ quyết tâm làm bằng được để đưa các trang thiết bị vào khai thác sử dụng. Sau một thời gian khắc phục sửa chữa hầu hết các máy truyền chữ cơ khí được thay thế bằng máy truyền chữ điện tử TX-20 để truyền các bản tin SITA, điện văn AFTN; Mạng thông tin thoại giữa ACC tại Gia Lâm và sân bay Nội Bài được kết nối thông qua thiết bị Viba số Plesey (trước đây tuyến thông tin này gặp rất nhiều khó khăn khi chỉ sử dụng được đường truyền thông qua mạng cáp đồng viễn thông quốc gia); Tổng đài đã được mở rộng thêm nhiều số phục vụ cho các cơ quan nội bộ Tổng công ty HK; Các đài VOR/DME Nội Bài, ILS Nội Bài, Đài dẫn đường K1 Nội Bài, VOR/DME Đà Nẵng, VOR/DME TSN được sửa chữa, bay hiệu chuẩn đưa vào khai thác.
Bên cạnh nhiệm vụ cung cấp dịch vụ kỹ thuật, Xí nghiệp đã triển khai thực hiện rất tích cực chương trình sản xuất các thiết bị điện tử. Ngoài Xưởng điện tử và Xưởng điện cơ, Xí nghiệp đã thành lập thêm một bộ phận có tên gọi “Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ cao” nhằm mục đích nghiên cứu chế tạo các sản phẩm điện tử phục vụ cho ngành Hàng không và các ngành công nghiệp khác trong nước. Xưởng điện cơ ngoài nhiệm vụ đảm bảo kỹ thuật điện và cơ khí cho các trang thiết bị khu vực Gia Lâm đã nghiên cứu chế tạo sản xuất một số sản phẩm cung cấp cho thị trường như: Thiết bị ổn áp, thiết bị chuyển đổi điện, một số vỏ thiết bị kỹ thuật, sản xuất pin… Để Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ cao vào hoạt động có hiệu quả, một chương trình học tập kinh nghiệm các đơn vị khác được tổ chức trong đó có đoàn đi học cách làm mạch in hai lớp tại Xưởng kỹ thuật sân bay Tân Sơn Nhất. Ngày đó, Xưởng kỹ thuật được lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất chú trọng đầu tư nghiên cứu và phát triển sản xuất trang thiết bị kỹ thuật. Xưởng đã thành công trong việc sản xuất mạch in hai lớp và số hóa, hiển thị mục tiêu ra đa từ trạm ra đa F100 của Mỹ tại sân bay Tân Sơn Nhất và một số sản phẩm khác. Thời bấy giờ, mạch in hai lớp là một sản phẩm mang tính công nghệ cao và rất hiếm trên thị trường, đặc biệt là tại khu vực Miền bắc. Chính vì thế Xí nghiệp đã định hướng học hỏi, tổ chức sản xuất thành công để cung cấp ra thị trường khu vực Miền Bắc. Ngoài ra, Trung tâm đã nghiên cứu chế tạo thành công một số sản phẩm điển tử như: Bộ chuyển đổi nguồn AC-DC, thiết bị chuyển mạch, công tắc điện tử, v.v…
Điểm đáng chú ý của Xí nghiệp điện tử HK là không chỉ đủ năng lực thực hiện đảm bảo kỹ thuật cho Trung tâm điều hành bay ACC Gia Lâm, đảm bảo thông tin liên lạc cho cơ quan TCT Hàng không VN mà còn cung cấp thêm dịch vụ kỹ thuật cho các đơn vị khác trong ngành Hàng không (Sân bay Nội Bài, sân bay Đà Nẵng và sân bay Tân Sơn Nhất).
Có thể nói 1986-1990 là giai đoạn xác định và khẳng định nền móng sự phát triển của một đơn vị đảm bảo cung cấp dịch vụ kỹ thuật quản lý bay và chế tạo, sản xuất trang thiết bị điện tử Hàng không mà ngày nay được gọi là Công nghiệp Hàng không.
Nhưng đầu những năm 1990 lại là một năm đầy khó khăn đối với Trung tâm Thông tin Hàng không. Vào những năm đó Lãnh đạo ngành HK quyết định xây dựng mới ACC Hà Nội và đầu tư nâng cấp trang thiết bị hoạt động bay tại sân bay Nội Bài. Trong bối cảnh đó hầu hết những kỹ sư, nhân viên kỹ thuật chủ chốt của Trung tâm Thông tin Hàng không được điều động hay thậm chí chủ động xin được chuyển đến công tác tại sân bay Nội Bài tham gia triển khai dự án nêu trên, một số cán bộ khác chuyển đến làm việc tại Công ty Quản lý bay… Thời điểm đó Trung tâm thiếu nguồn nhân lực một cách trầm trọng, ngay cả Trung tâm cũng không có Giám Đốc (được điều động lên cơ quan cấp trên) mà chỉ có Quyền Giám đốc. Một không khí trầm lắng trong Trung tâm, hầu hết mọi người đều lo lắng không biết Trung tâm có tồn tại hay giải thể? Khi một đơn vị không có Giám đốc, chỉ có duy nhất một phó Giám đốc làm Quyền Giám đốc, lực lượng kỹ thuật không được bổ sung mà bị chuyển đi, một số khác có điều kiện thì cũng chủ động xin chuyển lên Nội Bài làm việc. Nhưng riêng tôi thì tôi tin tưởng vào sự tồn tại của Trung tâm thông tin Hàng không, tin tưởng Trung tâm còn nhiều việc phải làm và sẽ làm được tốt với nguồn nhân lực hiện có. Chính vì thế Tôi đã ở lại Trung tâm không chuyển đi nơi khác cho dù cũng từng được cấp trên trao đổi đặt vấn đề muốn tôi lên Nội Bài làm việc.
Trong bối cảnh như vậy cấp trên đã bổ nhiệm ông Đỗ Hồng Quang từ phòng Thông tin Cục quản lý bay về làm Giám Đốc. Ngày đó, trước khi ông Đỗ Hồng Quang về làm Giám đốc, Tôi có một kỷ niệm thật đáng nhớ với ông mà tôi không bao giờ quên. Một hôm khi Tôi và anh em đang lúi húi làm công việc sửa chữa thiết bị tại phân xưởng điện tử thì một người đàn ông hiền lành, trong bộ đồ giản dị xuất hiện trong phòng và hỏi: “Cậu Thăng có ở đây không” Tôi trả lời “Có tôi đây ạ” và ông tiến về phía tôi giới thiệu tên Quang, phó Phòng Thông tin Cục QLB muốn nói chuyện với Tôi. Lúc đó tôi không nhận ra ông, trong trí nhớ thoang thoảng của mình tôi có biết đến một người tên Quang là Phó trưởng phòng Thông tin mà có thể tôi đã từng gặp trước đó. Rồi sau đó ông cho tôi biết ông sắp được điều động xuống làm Giám đốc Trung tâm thông tin HK, muốn trao đổi với tôi để nắm thông tin chung của Trung tâm và nếu ông về thì nên làm gì để xây dựng và phát triển đơn vị? Lúc đó trong tôi xuất hiện những câu hỏi “Liệu ông có về thật hay chỉ nắm thông tin để quyết định về hay không về? Tại sao ông lại hỏi mình khi mình chỉ mới về đơn vị này công tác được vài năm? Mình sẽ nói hết những suy nghĩ của mình về xây dựng Xí nghiệp hay chỉ nói qua loa cho xong nhiệm vụ được hỏi…” Sau khi trao đổi, Tôi nhận thấy ông là người thực sự muốn về xây dựng Trung tâm phát triển chứ không phải chỉ vì vị trí và chức danh “Giám đốc” và thực sự cần những góp ý của Tôi. Vì vậy Tôi đã mạnh dạn chia sẻ với ông tất cả những gì tôi suy nghĩ, ấp ủ bấy lâu về việc xây dựng phát triển Trung tâm thông tin HK. Trong khi tôi nói ông lắng nghe, không nói gì và chào tạm biệt tôi bằng một nụ cười đầy thân thiện, gần gũi. Không lâu sau ông về làm Giám đốc, khá nhiều những ý tưởng, chương trình, nội dung tôi trao đổi với ông đã được ông chỉ đạo thực hiện góp phần xây dựng Trung tâm phát triển.
Bàn console đài kiểm soát không lưu Tuy Hòa/Vân Đồn |
Có lẽ giai đoạn từ năm 1990 đến năm 1995 là những năm khẳng định chắc chắn sự thành công trên con đường cung cấp dịch vụ kỹ thuật QLB và phát triển công nghiệp hàng không của ATTECH ngày nay. Dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của Ban Giám đốc cùng với một lực lượng kỹ thuật ít ỏi, Xí nghiệp điện tử HK tiếp tục cung cấp rất tốt dịch vụ kỹ thuật đảm bảo cho công tác điều hành bay của ACC Hà Nội an toàn tuyệt đối. Qua đó góp phần khẳng định vị thế của VN trong công tác điều hành đảm bảo hoạt động bay An toàn – Điều hòa – Hiệu quả trên trường quốc tế.
Ngoài việc đảm bảo kỹ thuật với trang thiết bị hiện có, Trung tâm đã quyết tâm đầu tư trang thiết bị mới hiện đại để mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ. Thời điểm đó nếu tôi nhớ không nhầm thì lần đầu tiên Xí nghiệp điện tử được giao làm chủ đầu tư mua sắm một hệ thống kỹ thuật lớn đó là hệ thống tổng đài Alcatel của Pháp lắp đặt tại Gia Lâm. Khi tổng đài đưa vào khai thác đã làm thay đổi hoàn toàn chất lượng thông tin nội bộ Tổng công ty HK, Vietnam Airlines và các đơn vị khác tại khu vực Gia Lâm và nâng cao chất lượng thông tin hiệp đồng điều hành bay cho ACC Hà Nội. Nếu như ngày nay thì việc triển khai lắp đặt một tổng đài như vậy không có gì là khó khăn phức tạp, nhưng giai đoạn này bằng năng lực của mình lựa chọn và đưa vào khai thác một tổng đài dung lượng lớn, có khả năng mở rộng trong tương lai, sử dụng công nghệ “Số” đã đánh dấu một bước tiến của đơn vị và lực lượng kỹ thuật QLB. Với sự thành công đó, không lâu sau Trung tâm được lựa chọn ký hợp đồng kinh tế với Xí nghiệp sửa chữa tầu bay A76 để triển khai lắp đặt một hệ thống tổng đài. Hợp đồng kinh tế có giá trị không lớn nhưng qua đó đã tăng thêm sự tự tin về chuyên môn, năng lực của người làm kỹ thuật trong lĩnh vực viễn thông. Tiếp nối Trung tâm đã ký một số hợp đồng kinh tế để triển khai các dịch vụ kỹ thuật trong
Thi công, lắp đặt hệ thống DVOR/DME |
lĩnh vực thông tin và dẫn đường. Về lĩnh vực dẫn đường phải kể đến hợp đồng ký kết với Công ty bay dịch vụ dầu khí Vũng Tàu về việc sửa chữa đưa đài VOR Vũng Tàu đã hỏng nhiều năm để đưa vào khai thác. Đài VOR Vũng Tàu vô cùng cần thiết và quan trọng để dẫn đường cho các tầu bay trực thăng bay đưa người ra giàn khoan. Đài này đã lắp đặt nhưng chỉ khai thác được trong một thời gian ngắn sau đó bị hỏng không sửa chữa được nên đã đóng cửa. Được biết thông tin như vậy bản thân tôi đã vào tận nơi khảo sát, đánh giá và thuyết phục lãnh đạo Công ty bay trực thăng dầu khí để Trung tâm thông tin HK sửa chữa bảo dưỡng và đưa vào khai thác. Lúc đầu lãnh đạo Công ty không tin tưởng lực lượng kỹ thuật Trung tâm thông tin HK có khả năng thực hiện được, vì trước đó đã có khá nhiều các chuyên gia kỹ thuật của nhiều đơn vị trong nước đến khảo sát và thực hiện sửa chữa nhưng không thành công. Nhưng bằng sự thuyết phục dựa trên những kinh nghiệm và kế hoạch cụ thể, cuối cùng lãnh đạo Công ty cũng chấp thuận để Trung tâm thực hiện sửa chữa bảo dưỡng. Khi bắt tay vào công việc mới thấy có rất nhiều các khó khăn: Đài đã qua tay nhiều người sửa chữa, để lâu rồi không khai thác nên các tấm mạch điện tử có hiện tượng bị muối biển bám vào, thiếu thốn vật tư thay thế, làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng của Vũng Tàu… Cuối cùng sau hơn hai tháng đài VOR Vũng Tàu đã được sửa chữa, bảo dưỡng và đưa vào khai thác. Với kết quả này lãnh đạo Công ty bay trực thăng dầu khí Vũng Tàu đã đánh giá rất cao tinh thần làm việc và năng lực chuyên môn của lực lượng kỹ thuật Trung tâm. Ngay sau đó Công ty bay trực thăng đã đồng ý để Trung tâm thông tin HK nghiên cứu lấy thiết bị VOR trên tầu bay cánh bằng dân dụng lắp lên tầu bay trực thăng của Nga (Không có thiết bị VOR trên tầu bay) mà Công ty đang khai thác. Sau một thời gian nghiên cứu nhóm kỹ thuật đã đặt thiết bị VOR tầu bay cánh bằng lên tầu bay trực thăng để thử nghiệm và đạt được kết quả tốt. Nhưng để đưa vào khai thác thực tế còn nhiều vấn đề cần giải quyết nằm ngoài khả năng của Trung tâm như: Khoan đục tầu bay để lắp đặt thiết bị và anten, hiệu chuẩn thiết bị, chứng chỉ an toàn tầu bay… nên chương trình nghiên cứu của Trung tâm chỉ dừng lại ở đó.
Về lĩnh vực thông tin, chắc chắn không một ai của Trung tâm thông tin HK trong những năm đầu 1990 không biết đến việc Trung tâm đã hợp tác cùng một đơn vị bên ngoài nghiên cứu sản xuất thành công hệ thống chuyển điện văn tự động AFTN (AMSC) đạt tiêu chuẩn ICAO và đã triển khai lắp đặt đưa vào khai thác chính thức tại Gia Lâm và sân bay Đà nẵng. Sau khi đưa vào khai thác hiệu quả và phục vụ kịp thời, an toàn cho công tác điều hành bay tại Việt Nam, thông tin về hệ thống AMSC đã được đưa vào một tham luận báo cáo trên hội nghị quốc tế ICAO và đã được ICAO đánh giá cao. Với hệ thống AMSC ngày đó một lần nữa đã góp phần đánh dấu sự thành công trong việc nghiên cứu sản xuất, chế tạo và đưa vào khai thác trang thiết bị kỹ thuật Hàng không. Nó là tiền đề cho ATTECH sau này cung cấp AMSC cho cả nước và chế tạo sản xuất hệ thống, cung cấp dịch vụ AMHS ngày nay.
Sản xuất một số sản phẩm đèn hiệu sân bay |
Bên cạnh chuyên ngành thông tin và dẫn đường, chuyên ngành điện, cơ khí cũng được chú trọng đầu tư phát triển. Một số máy nổ đã được Trung tâm thông tin HK sửa chữa, đại tu đưa vào khai thác, nhiều hệ thống chuyển đổi điện đã được nghiên cứu cải tiến chế tạo và sản xuất, nhiều hệ thống máy cơ khí hiện đại đã được đầu tư để sản xuất những vật liệu chất lượng cao… Qua đó đánh dấu và khẳng định con đường phát triển của Trung tâm trong lĩnh vực này.
Điều gì đã làm nên thành công của Trung tâm thông tin HK trong giai đoạn này? Theo Tôi, đó là sự chỉ đạo, ủng hộ và tin tưởng của cơ quan cấp trên về hoạch định chiến lược phát triển ngành HK; Sự quyết tâm theo đuổi kế hoạch phát triển dài hạn của Ban lãnh đạo Trung tâm thông tin HK; Sự tự tin, nhiệt tình và tích cực của toàn bộ lực lượng trong Trung tâm và một yếu tố vô cùng quan trọng đó là Văn Hóa doanh nghiệp. Trung tâm đã tạo ra một không khí làm việc vui vẻ, tin tưởng lẫn nhau, tạo mọi điều kiện tốt nhất để từng cá nhân được phát triển và họ đã mang hết nhiệt huyết và năng lực của mình để đóng góp xây dựng đơn vị.
Lễ ký kết thỏa thuận chia sẻ dữ liệu VHF/VSAT |
Năm 1994, sau khi đi học thạc sỹ ở nước ngoài về Tôi được điều chuyển nhận nhiệm vụ mới tại TT Quản lý bay dân dụng VN, đơn vị chủ quản của Trung tâm thông tin HK. Từ đó Tôi vẫn luôn theo dõi sát sao và ủng hộ, hỗ trợ sự phát triển của đơn vị qua từng chặng đường phát triển với những chuyển biến đáng nhớ: Năm 1998 được tổ chức lại thành “Trung tâm dịch vụ kỹ thuật QLB”, có 01chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh; Năm 2009 tiếp nhận, tổ chức khai thác toàn bộ hệ thống dẫn đường VOR/DME/NDB trên toàn quốc và năm 2010 đổi mới cơ chế quản lý thành công ty trách nhiệm hữu hạn Kỹ thuật Quản lý bay (ATTECH) – công ty con duy nhất của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam. Đến nay ATTECH đã đạt được khá nhiều thành công trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ kỹ thuật và phát triển công nghiệp hàng không.
Một số dịch vụ thông tin, dẫn đường và giám sát nổi bật do ATTECH cung cấp: Cung cấp dịch vụ thông tin giám sát ADS-B/VHF tại các đảo Trường Sa Lớn/Song Tử Tây; dịch vụ thông tin giám sát ADS-B/VHF quốc tế cho Cục HK Singapore; dịch vụ giám sát ADS-B tại các sân bay Việt Nam, Dịch vụ AMHS… Cung cấp dịch vụ dẫn đường DVOR/DME và dịch vụ bay hiệu chuẩn trên toàn quốc.
Lễ khánh thành trung tâm RSC |
Về dịch vụ kỹ thuật ra quốc tế, từ năm 2007 ATTECH đã là đối tác của nhà sản xuất thiết bị dẫn đường hàng không hàng đầu của Mỹ. Trung tâm dịch vụ khu vực (RSC) của ATTECH đã thay mặt nhà sản xuất thực hiện khảo sát, lắp đặt, thông điện hiệu chỉnh, hỗ trợ bay hiệu chuẩn, bảo hành, sửa chữa và huấn luyện đào tạo cho tất cả các khách hàng của họ tại châu Á, Phi và Mỹ la tinh.
Trung tâm RSC |
Sản phẩm phòng đặt thiết bị Shelter |
Một số thành công nổi bật của ATTECH trong lĩnh vực phát triển công nghiệp HK như thiết kế, chế tạo sản xuất và đưa vào vận hành khai thác: Hệ thống AMSC, hệ thống AMHS, dàn phản xạ và Shelter hệ thống DVOR/DME, một số sản phẩm trong hệ thống đèn đêm, thiết bị ghi âm đa kênh…
Để ATTECH có được nhưng kết quả như ngày nay là cả một quá trình phát triển lâu dài, đúc rút kinh nghiệm qua nhiều năm và chúng ta không thể không nhìn về nền tảng của sự phát triển đó từ những ngày mới thành lập, trải qua những năm tháng khó khăn gian khổ tưởng như không thể vượt qua nổi đó là kiên định với chủ trương đường lối, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, mở rộng quan hệ, xây dựng phát triển nguồn nhân lực và tạo ra một văn hóa doanh nghiệp “Đoàn kết, sáng tạo, tự tin và phát triển bền vững”.
Để tiếp tục duy trì tồn tại một cách bền vững và đảm bảo thu nhập cao cho người lao động của một công ty trách nhiệm hữu hạn về lĩnh vực kỹ thuật, con đường phía trước của ATTECH còn nhiều việc phải làm và đầy thách thức trước sự phát triển lớn mạnh và bùng nổ của khoa học công nghệ, cũng như chính sách của chính phủ Việt Nam đẩy mạnh xã hội hóa các ngành dịch vụ. ATTECH cần tập trung xây dựng một nguồn nhân lực đủ mạnh, có nhiều chuyên gia công nghệ cao; Tổ chức quản lý hoạt động của doanh nghiệp một cách có khoa học và có văn hóa; Tạo ra các mối quan hệ rộng lớn bền chặt không chỉ trong nước mà cả quốc tế; Lập ra các kế hoạch phát triển chi tiết khả thi cho từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn… từng bước tiến tới đạt được đúng nội dung trong văn bản mà cách đây 35 năm khi mới thành lập Xí nghiệp điện tử (tiền thân của ATTECH ngày nay) đã ghi rõ: “Xí nghiệp điện tử ra đời với mục tiêu xây dựng một đơn vị làm kỹ thuật điện tử chung cho toàn ngành hàng không dân dụng Việt Nam”. Đối với lĩnh vực phát triển công nghiệp HK trong tương lai theo tôi nghĩ các sản phẩm mà ATTECH chế tạo sản xuất ra không nhất thiết phải là các thiết bị lớn, thiết bị nguyên chiếc mà quan trọng phải có hàm lượng chất xám cao, công nghệ mới. Những sản phẩm này nếu sản xuất ra chỉ để sử dụng cho TCT QLB VN, cho chuyên ngành đảm bảo hoạt động bay Việt Nam hoặc trong phạm vi nước Việt Nam thì sẽ rất hạn chế về khả năng tiêu thụ và hiệu quả đầu tư… Phải mạnh dạn suy nghĩ, quyết tâm thực hiện chiến lược: Sản phẩm sản xuất ra phải có tính toàn cầu, đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiêu thụ trên nhiều quốc gia trên thế giới. Chỉ có như vậy lĩnh vực phát triển công nghiệp HK mới tồn tại và phát triển lâu dài và bền vững./.
Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 2021
Nguyên phó TGĐ Nguyễn Văn Thăng
- Ảnh dự thi “ATTECH trong tôi” của Đài DVOR/DME Tân Sơn Nhất
- Cảm nhận về ATTECH
- Hoạt động chào mừng Ngày truyền thống của Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý Bay 22/7 & kỷ niệm 15 năm tiếp nhận cung cấp dịch vụ dẫn đường
- ATTECH – Vững niềm tin đi đến Vinh quang
- Giải thể thao – Chào mừng ngày truyền thống Công ty 22-7