Theo nghiên cứu của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang đạt được sự tăng trưởng chưa từng thấy về hàng không thương mại tạo ra những tác động kinh tế to lớn và tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế chung trong khu vực.
Kết nối hàng không nhiều hơn sẽ kích thích các ngành công nghiệp phụ trợ khác như du lịch, thương mại và nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế. Theo dự báo, ngành hàng không sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong vòng 20 năm tới. Giao thông hàng không của châu Á Thái Bình Dương được dự đoán sẽ vượt xa châu Âu và Bắc Mỹ, tăng trưởng lên mức 4.3 tỷ hành khách cho tới năm 2034.
Đồng hành cùng sự phát triển vượt bậc của ngành hàng không là đòi hỏi nâng cao năng lực hệ thống điều hành, quản lý không lưu. Tuy nhiên, từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã nhận thấy những hạn chế ngày càng gia tăng của hệ thống thông tin, dẫn đường, giám sát (CNS) và hệ thống quản lý không lưu (ATM) hiện tại. Những hạn chế lớn nhất của hệ thống CNS hiện tại đó là hạn chế về truyền sóng tầm nhìn thẳng, hạn chế về độ chính xác, độ tin cậy, các rủi ro trong liên lạc thoại và việc thiếu các hệ thống trao đổi dữ liệu số không địa tự động, cũng như khó khăn trong việc triển khai một hệ thống CNS nhất quán toàn cầu. Các hạn chế này đến từ chính bản chất, nội tại của hệ thống do đó đòi hỏi phải xây dựng một khái niệm CNS/ATM mới và công nghệ vệ tinh là giải pháp khả thi duy nhất để khắc phục những hạn chế của hệ thống hiện tại và đáp ứng các nhu cầu trong tương lai trên cơ sở toàn cầu và có hiệu quả về chi phí. Đến năm 1999, khái niệm CNS/ATM mới đã được hoàn thiện và ICAO bắt đầu xây dựng tài liệu hướng dẫn cho các quốc gia để triển khai kế hoạch xây dựng hệ thống CNS/ATM mới, trong đó lấy công nghệ vệ tinh GNSS là cốt lõi của mọi vấn đề.
Trong hệ thống CNS/ATM mới, về lĩnh vực dẫn đường, tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO đặt trọng tâm, ưu tiên cao nhất phát triển và triển khai hệ thống dẫn đường theo tính năng (PBN). Việc áp dụng dẫn đường theo tính năng PBN được coi là cuộc cách mạng trong dẫn đường hàng không, đem lại nhiều thuận lợi về khai thác, về kinh tế, đảm bảo và nâng cao an toàn hàng không cho các hãng hàng không, nâng cao năng lực quản lý vùng trời, quản lý hoạt động bay.
Lộ trình phát triển hệ thống dẫn đường của ICAO thể hiện trong bảng dưới đây (theo tài liệu ICAO Doc9750-AN/963- kế hoạch phát triển hệ thống dẫn đường toàn cầu 2016-2030, xuất bản lần 5 – 2016).
Về cơ bản, triển khai PBN là chuyển đổi phương thức dẫn đường dựa trên cảm biến sang hệ thống dẫn đường dựa trên tính năng. Các đường bay PBN (RNAV&RNP) được xác định dựa trên tính toàn vẹn, độ chính xác, tính liên tục và các tính năng yêu cầu trong phạm vi không phận riêng biệt, và với hệ thống dẫn đường thích hợp. Việc áp dụng PBN mang lại các lợi ích sau đây:
– Giảm sự cần thiết phải duy trì các đường bay, phương thức truyền thống và các chi phí liên quan.
– Các đương bay được thiết kế linh hoạt hơn do đó giúp cho tàu bay có được quỹ đạo hoạt động tối ưu, giảm thời gian bay, tiết kiệm nhiên liệu cũng như giảm lượng khí thải ra môi trường và tăng hiệu quả kinh tế.
– Giảm yêu cầu dẫn dắt bằng radar, giảm cường độ liên lạc giữa phi công và kiểm soát viên không lưu dẫn tới giảm khối lượng làm việc cho cả phi công và kiểm soát viên mà vẫn đảm bảo giãn cách tiêu chuẩn và độ an toàn.
Trong vài năm trở lại đây, không nằm ngoài xu thế phát triển chung của thế giới và khu vực tại Việt Nam với sự giúp đỡ của tổ chức JICA (Nhật Bản) khái niệm PBN đã/đang được phổ biến, triển khai sâu rộng trong ngành hàng không dân dụng và bước đầu đã đạt được những kết quả thiết thực. Như với đường bay đường dài, đã thiết lập 02 đường hàng không song song Q1, Q2 (RNAV 5) trục Bắc Nam sử dụng dẫn đường vệ tinh góp phần rút ngắn quãng đường bay, giảm đáng kể thời gian bay từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh so với đường bay truyền thống. Đối với đường bay trong khu vực sân bay, đó là việc triển khai và đưa vào khai thác các phương thức SID/STAR RNAV 1 tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (tháng 2/2017), Đà Nẵng (6/2017), Tân Sơn Nhất (9/2016) và Cam Ranh (8/2017) góp phần giải tỏa tắc nghẽn giao thông đường không và tăng năng lực hoạt động bay.
Đồng hành cùng tiến trình triển khai áp dụng phương thức PBN tại Việt Nam, từ năm 2015 đến nay, Đội bay kiểm tra hiệu chuẩn của Công ty TNHH Kỹ thuật quản lý bay (ATTECH) với nhiệm vụ mới – bay đánh giá phương thức bay PBN – bước đánh giá chất lượng cuối cùng trong qui trình thiết kế phương thức trước khi phương thức được công bố, đã góp phần đóng góp không nhỏ trong việc đánh giá chất lượng, đảm bảo độ an toàn, khả năng bay được trong điều kiện thực tế. Năm 2015, Đội bay kiểm tra hiệu chuẩn của ATTECH đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bay đánh giá phương thức bay tại Cảng hàng không Phú Bài, Cam Ranh, Phú Quốc, Côn Sơn và Liên Khương. Đặc biệt, trong năm 2018, dưới sự chỉ đạo của Cục Hàng không Việt Nam, hàng loạt phương thức bay PBN mới theo kế hoạch sẽ được xây dựng tại các Cảng hàng không Vân Đồn, Phú Bài, Liên Khương, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Phú Quốc, Cát Bi, Đà Nẵng… Việc triển khai các đường bay PBN là một cơ hội mới cho Đội bay kiểm tra hiệu chuẩn trong việc gia tăng lượng giờ bay, phát triển năng lực bay đánh giá phương thức bay, nhưng cũng là một thách thức không nhỏ trong giai đoạn có sự tăng trưởng lớn về số lượng thiết bị dẫn đường được lắp mới và không có sự chủ động trong khai thác tàu bay.
Kíp trực điều hành bay đánh giá phương thức PBN tại CHK Phú Quốc
Thực hiện bay đánh giá phương thức PBN tại CHK Phú Quốc
Tg: Đỗ Tiến Đạt- Đội BKTHC
- Hệ thống AMHS mở rộng (AMHS Extended) do ATTECH nghiên cứu, phát triển hoàn thành giai đoạn Conformance Test
- Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay tổ chức diễn tập phương án ứng phó tình huống can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động Hàng không dân dụng năm 2023 tại Đài dẫn đường DVOR/DME&NDB Nam Hà
- Xưởng Dịch vụ Kỹ thuật tổ chức Hội nghị Người lao động năm 2025
- Đoàn kiểm tra của Cục Hàng không Việt Nam làm việc tại đài DVOR/DME Tuy Hòa
- Hoàn thành công tác di chuyển toàn bộ các tấm Pin năng lượng mặt trời tại Đảo Trường Sa Lớn