Ngay cả khi các hoạt động bay thương mại bị đình trệ, các sân bay và các hệ thống quản lý bay vẫn phải mở cửa và hoạt động đầy đủ để đảm bảo sự an toàn cho các chuyến bay khác, chẳng hạn như các chuyến bay chở hàng – hiện vẫn đang hoạt động.
Dự báo doanh thu mới nhất của Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI) khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cho biết, tác động của đại dịch ước khoảng 23,9 tỷ USD cho cả khu vực và 5,7 tỷ USD cho vùng Trung Đông, và gây ảnh hưởng đến tất cả các sân bay ở mọi quy mô.
Một số sân bay nhỏ trong khu vực, được xác định bằng số lượng đón ít hơn một triệu hành khách mỗi năm, cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng do giảm lưu lượng bay, ACI châu Á-Thái Bình Dương cho biết.
“Các phân tích cập nhật đưa ra một bức tranh cực kỳ thách thức đối với các thành viên sân bay của chúng tôi, họ đã bị đốt mất khoảng 10% tổng doanh thu hàng năm chỉ trong 3 tháng. Mỗi khách hàng mà một hãng hàng không mất cũng chính là khách hàng mà một sân bay bị mất”, Tổng Giám đốc ACI châu Á-Thái Bình Dương, ông Stefano Baronci cho biết. Các biện pháp cứu trợ hiện nay là cần thiết vì lợi ích của toàn bộ ngành hàng không để giữ việc làm cho nhân viên và cho phép phục hồi nền kinh tế”.
Theo tính toán của ACI, đại dịch kéo dài có thể dẫn đến mất hoạt động bay cho khoảng 1,5 tỷ hành khách cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông sử dụng hơn 63% vị trí việc làm trong ngành hàng không, cung cấp nhiều dịch vụ từ quản lý sân bay, bảo trì và an ninh sân bay đến các cửa hàng bán lẻ, thực phẩm, đồ uống và hệ thống các cửa hàng miễn thuế.
Theo tốc độ ảnh hưởng tăng lên một cách nhanh chóng, ACI ước tính khoản lỗ quý đầu tiên cho các sân bay và dịch vụ Quản lý bay ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương do COVID-19 sẽ vào khoảng 5,6 tỷ USD, gần gấp đôi so với ước tính trước đó. Một phần lớn tổn thất là do số lượng chuyến bay bị giảm và giảm doanh thu từ các hoạt động phi hàng không. “Các sân bay khu vực Trung Đông có khoản lỗ khoảng 1 tỷ USD trong quý đầu tiên và ít nhất là gấp đôi con số đó trong cả năm”, Hiệp hội sân bay cho biết.
“Các nhà lập pháp phải cân đối một cách hết sức cẩn trọng các biện pháp để duy trì sự tồn tại và phục hồi, giải quyết cả sự cấp bách của nhu cầu ngắn hạn với các sáng kiến thông minh sẽ tạo điều kiện cho sự phục hồi mạnh mẽ. Một số chính phủ vẫn đang cân nhắc các biện pháp để áp dụng khi cuộc khủng hoảng đang diễn ra. ACI châu Á-Thái Bình Dương ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp chính sách có lợi cho tất cả các bên trong lĩnh vực hàng không mà không ảnh hưởng đến các hãng hàng không”, ông Baronci nói.
Cùng với Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), ACI Châu Á-Thái Bình Dương cũng đang yêu cầu các chính phủ và cơ quan quản lý giảm bớt các yêu cầu về việc sử dụng slot tại sân bay cho đến tháng 6 năm 2020, áp dụng việc giảm thuế ngành hàng không và miễn hoặc hoãn phí nhượng quyền khai thác sân bay.
Giống như các hãng hàng không, ngành hàng không đã yêu cầu chính phủ hỗ trợ tài chính trong một số trường hợp trợ cấp của chính phủ, để bảo vệ ngành hàng không vượt qua đại dịch hiện nay.
Tổng Giám đốc của CANSO (Tổ chức các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay), ông Simon Hocquard, cho biết hồi tháng trước: “Trong khi khách hàng hãng hàng không của chúng tôi đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất có thể hiểu được, thì các ANSP cũng đang phải chịu những hậu quả nghiêm trọng”.
Điển hình của các sân bay đang phải đối mặt với áp lực là ở Úc, nơi Tập đoàn Qantas và Virgin Australia đã hủy bỏ tất cả các chuyến bay quốc tế và một tỷ lệ đáng kể các hoạt động bay nội địa. Hiệp hội các sân bay Úc (AAA) cho biết các thành viên của họ phải đối mặt với doanh thu hàng không trị giá 500 triệu USD do đại dịch gây ra, khi chi phí mà họ phải bỏ ra lại thay đổi rất ít “ bởi vì vẫn cần phải duy trì hoạt động của đường cất hạ cánh và hệ thống ánh sáng” tại các nhà ga.
Chúng tôi cần phải giữ cho các sân bay của chúng tôi an toàn và sẵn sàng khi chúng tôi chào đón hành khách khi hoạt động bay trở lại, ông Simon Bourke – Giám đốc điều hành của AAA cho biết. Chúng tôi phải sẵn sàng cho sự phục hồi sau đại dịch và lên kế hoạch phục hồi mạnh mẽ. Các sân bay đang nỗ lực để duy trì các mạch đầu tư và cơ sở hạ tầng, điều này cũng rất quan trọng để giữ cho các sân bay ở trạng thái hoạt động và mọi người có việc làm.
Singapore, đã trải qua sự sụt giảm chưa từng thấy về số lượng hành khách. Sân bay quốc tế Seoul Incheon, một sân bay trung chuyển chính của Hàn Quốc, cách thủ đô 60 km về phía tây, đã đặt vào “chế độ khẩn cấp” do số lượng người sử dụng dịch vụ bị giảm nghiêm trọng. Hiện nay, sân bay này chỉ còn đón khoảng 10.000 hành khách mỗi ngày so với con số trung bình 200.000 khách mỗi ngày trong thời kỳ trước đại dịch. “Nếu số lượng tiếp tục giảm, chúng tôi sẽ phải xem xét đóng cửa các nhà ga”, Cán bộ điều hành sân bay cho biết.
Một số Cơ quan quản lý ở Châu Á-Thái Bình Dương đã đáp lại những kiến nghị của các hãng hàng không để giảm phí và thuế trong giai đoạn khủng hoảng và một số chính phủ đã đồng ý các gói cứu trợ tài chính. Ví dụ, tại Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải đã cắt giảm một số loại thuế và giá dịch vụ cho ngành hàng không, bao gồm giảm 50% giá cất cánh và hạ cánh.
Đồng thời, Bộ này cũng yêu cầu chính phủ Việt Nam áp dụng mức thuế tối thiểu và phí bằng 0 đối với các dịch vụ hàng không chuyên dụng, bao gồm dịch vụ cung cấp suất ăn và dịch vụ kéo đẩy tàu bay (push back services).
Cục Hàng không dân dụng Philippines (CAAP) và Nhà chức trách sân bay Quốc tế Manila (MIAA) đang áp dụng hoãn thanh toán đối với phí cất cánh, hạ cánh và phí đỗ tàu bay cho các hãng hàng không nội địa trong tối thiểu một năm. Các hãng hàng không sẽ thực hiện việc thanh toán này sau khi kết thúc khủng hoảng.
Úc đã công bố gói viện trợ hoàn trả trị giá 430 triệu đô la và miễn thuế đối với xăng dầu, giá dịch vụ dẫn đường nội địa và giá an ninh hàng không khu vực.
Singapore đã công bố gói kích cầu trị giá 33,7 tỷ USD để chống lại tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế đất nước trong đó có lĩnh vực hàng không. Một sáng kiến cứu trợ trước đó trị giá 82 triệu USD bao gồm giảm giá phí sân bay, hỗ trợ cho các đơn vị dịch vụ mặt đất và giảm giá cho thuê tại sân bay Changi.
“An toàn là ưu tiên hàng đầu của ngành hàng không. Các quốc gia có một hệ thống cấp phép được thiết lập tốt để đảm bảo điều này. Trong giai đoạn cực kỳ khó khăn này, chúng tôi rất biết ơn các hành động nhằm giảm bớt các yêu cầu pháp lý mà không ảnh hưởng đến sự an toàn của các chuyến bay”, Phó chủ tịch cấp cao, phụ trách về an toàn và khai thác bay của IATA, ông Gilberto Lopez Meyer cho biết.
Ông Hocquard, Tổng Giám đốc CANSO cho biết: “Việc ban hành các lệnh đi lại và đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 đang có tác động lớn đến các Nhà cung cấp dịch bảo đảm hoạt động bay (ANSP) trên toàn cầu”.
“Trong đó có việc phải tạo ra những cách thức mới trong việc bố trí nhân viên trong dây chuyền cung cấp dịch vụ để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh và đảm bảo dự phòng trong trường hợp một nhân viên bị lây nhiễm – một công việc ngày càng thách thức, với một bức tranh về hoạt động bay không thể đoán trước thay đổi hàng ngày”.
“Hơn nữa, các ANSP cũng đang cùng với nhà nước để hỗ trợ các kế hoạch hàng không quốc gia để xử lý các trường hợp khẩn cấp về y tế công cộng và hợp tác với các quốc gia láng giềng, các sân bay và các hãng hàng không để chuẩn bị phương án dự phòng khi các cấp độ nhân viên khai thác của họ bị tấn công bởi đợt bùng phát COVID-19.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, những thách thức mà chúng ta gặp phải trong việc ứng phó và lập kế hoạch hoạt động sẽ dễ dàng vượt qua nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành với nhà nước. Bên cạnh đó, công nghệ mới và cơ sở hạ tầng cũng đóng vai trò quan trọng”.
- New Zealand bắt đầu thử nghiệm taxi bay không người lái Cora
- CANSO tham gia với các bên liên quan ra tuyên bố về hành động khẩn cấp trong ngành hàng không châu Âu
- Eva Air mở thêm chuyến bay Hello Kitty nối Đài Loan-Singapore
- Lợi nhuận hàng không toàn cầu ‘cất cánh’ kỷ lục trong năm nay
- Airbus ra mắt mẫu máy bay sản xuất bằng công nghệ in 3D đầu tiên