Nhiều năm qua, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (Tổng công ty) luôn nhận thức tầm quan trọng của công tác huấn luyện đào tạo nguồn nhân lực với một đơn vị mang tính đặc thù về chuyên ngành quản lý bay.
Cùng với việc đổi mới các hệ thống thiết bị công nghệ hiện đại, đến nay Tổng công ty đã có một đội ngũ nhân viên với đầy đủ trình độ và năng lực có thể tiếp thu và vận hành các hệ thống trang thiết bị hiện đại, tiên tiến phục vụ điều hành bay an toàn.
Lớp học do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tổ chức
Trong 25 năm qua (từ ngày thành lập 20/4/1993 đến nay), Tổng công ty đã tiến hành đồng bộ chương trình đổi mới công nghệ hiện đại nhằm hiện đại hóa chuyên ngành quản lý bay Việt Nam. Thông qua các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản để nâng cấp cơ sở hạ tầng và các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật, nhiều dự án trọng điểm đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay của Việt Nam lên ngang tầm thế giới. Lãnh đạo Tổng công ty luôn nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của công tác huấn luyện đào tạo đội ngũ CB, CNV có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện phương thức điều hành bay tiên tiến, hiện đại; quản lý, khai thác và bảo dưỡng tốt trang thiết bị chuyên ngành để cung cấp các dịch vụ điều hành bay đạt chất lượng cao theo tiêu chuẩn của ICAO. Trong huấn luyện đào tạo, Tổng công ty luôn tập trung xây dựng lực lượng cán bộ chuyên môn đầu ngành, đặc biệt là lực lượng kiểm soát viên không lưu – lực lượng lao động chính trong chuỗi dây chuyền cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay an toàn. Để đạt được yêu cầu này, Tổng công ty thực hiện nhất quán làm việc gì đào tạo việc đó, không đào tạo tràn lan; chú trọng đào tạo trong nước và đào tạo tại chỗ; tăng cường hợp tác tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và các quốc gia có nền không vận phát triển và có kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật và quản lý không lưu như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore, New Zealand, Thái Lan…Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là doanh nghiệp công ích được Nhà nước xếp hạng đặc biệt, là một trong ba bộ phận cơ bản cấu thành nên ngành Hàng không Việt Nam. Suốt quá trình hình thành và phát triển, Tổng công ty là một bộ phận không thể tách rời, chịu trách nhiệm cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, có quan hệ liên kết, phối hợp chặt chẽ với hai bộ phận còn lại của ngành Hàng không Việt Nam. Tổng công ty có chức năng chính là thực hiện cung ứng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cho tất cả tàu bay dân dụng và vận tải quân sự (khi được ủy quyền) hoạt động tại các cảng hàng không, sân bay trên toàn quốc, trên vùng trời thuộc chủ quyền Việt Nam và các vùng thông báo bay (FIR) do Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) giao cho Việt Nam quản lý. Các dịch vụ của Tổng công ty bao gồm: Dịch vụ không lưu (dịch vụ điều hành bay, dịch vụ thông báo bay, dịch vụ tư vấn không lưu và dịch vụ báo động); Dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát; Dịch vụ thông báo tin tức hàng không; Dịch vụ khí tượng và Dịch vụ tìm kiếm cứu nạn hàng không. Tổng công ty cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng trong việc quản lý đảm bảo an ninh, an toàn và bảo vệ chủ quyền vùng trời quốc gia. Nhiều năm qua, Tổng công ty đã đảm bảo chỉ huy, điều hành bay tuyệt đối an toàn cho mọi hoạt động bay trong vùng trời trách nhiệm, góp phần đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các hệ thống thiết bị giả định (Simulator) hiện đại tại các cơ sở điều hành bay, đặc biệt tại các trung tâm kiểm soát đường dài, tiếp cận đã được Tổng công ty trang bị phòng huấn luyện giả định kiểm soát tại sân SIM 3D, có thiết bị hiện đại đang được sử dụng tại các nước có nền không lưu tiên tiến. Với những hệ thống huấn luyện giả định này, các kiểm soát viên không lưu được làm quen với môi trường điều hành giả định như hoạt động thực tiễn hàng ngày, các tình huống điều hành thực tế sẽ được mô phỏng như thật, mỗi kiểm soát viên không lưu trước khi được tham gia vào dây chuyền điều hành bay đều phải tham gia huấn luyện trên hệ thống này hàng trăm giờ và 100% các kiểm soát viên không lưu hàng năm đều phải tham gia huấn luyện lại nhằm nâng cao các kỹ năng điều hành bay đảm bảo an toàn điều hành bay.
Học viên tham gia huấn luyện tại Phòng SIM – ATCC Hà Nội
Từ nhiều năm qua, Tổng công ty đã ký thỏa thuận với các hãng hàng không trong nước cho các kiểm soát viên không lưu có điều kiện bay làm quen với các chuyến bay trong nước và quốc tế để có thể trải nghiệm thực tế môi trường làm việc của phi công. Qua đó, các kiểm soát viên không lưu đã có điều kiện nắm được tính năng kỹ thuật của máy bay, các thiết bị thông tin dẫn đường ở mặt đất, từ đó cấp các huấn lệnh không lưu phù hợp, sẵn sàng trợ giúp người lái trong trường hợp khẩn nguy. Sau mỗi chuyến bay làm quen, các kiểm soát viên không lưu viết báo cáo và tổ chức rút kinh nghiệm. Có thể nói đây là những giải pháp quan trọng của công tác huấn luyện, đào tạo và là biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay của Tổng công ty.
Bên cạnh đó, công tác huấn luyện đào tạo nâng cao chất lượng cho các lực lượng lao động chuyên ngành quản lý bay tại các cơ sở huấn luyện ở nước ngoài được Tổng công ty rất quan tâm chú trọng, luôn tập trung ưu tiên cho lực lượng chuyên ngành như kiểm soát viên không lưu và nhân viên kỹ thuật. Đặc biệt, Tổng công ty luôn xác định nguyên tắc gắn yêu cầu đào tạo với các hợp đồng mua sắm, đầu tư thiết bị mới. Quy trình chuẩn bị nhân lực phục vụ các dự án được đề ra cụ thể, toàn diện từ khâu tuyển dụng, huấn luyện cơ bản trong nước đến khâu huấn luyện chuyển giao công nghệ, huấn luyện nâng cao và chuyên sâu ở nước ngoài, coi trọng cả đào tạo lý thuyết và thực hành, từ đó nhân viên có thể sẵn sàng tiếp quản, khai thác, làm chủ các trang thiết bị công nghệ mới, vận dụng, thực hành thành thạo trong công tác điều hành bay.
Nhằm chủ động hơn trong công tác đào tạo tại chỗ, Tổng công ty đã thành lập và được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy chứng nhận thành lập Trung tâm Đào tạo huấn luyện nghiệp vụ Quản lý bay (Trung tâm) là cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho nhân viên hàng không. Trung tâm đã đi vào hoạt động từ tháng 12/2013. Với đội ngũ hơn 130 giáo viên chuyên trách và kiêm nhiệm đã được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt, bao gồm: Các chuyên ngành Không lưu, Kỹ thuật (Thông tin – Dẫn đường – Giám sát), Thông báo tin tức hàng không, Tìm kiếm cứu nạn, Đánh tín hiệu tàu bay, Thủ tục bay/thông báo tin tức tại sân bay (ARO/AIS), Thông báo hiệp đồng bay, Khí tượng…
Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm đã đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho hàng nghìn lượt nhân viên với nhiều chuyên ngành, chuyên sâu cả về huấn luyện năng định, huấn luyện định kỳ và bồi dưỡng nâng cao. Bên cạnh đó, Trung tâm đã mở rộng liên kết, hợp tác với các đối tác là thành viên chính thức của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế có uy tín để tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện mời chuyên gia nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam và hỗ trợ kinh nghiệm đào tạo nhằm tiết giảm chi phí. Trung tâm đã tổ chức 8 khóa với 94 người về nâng cao trình độ kiểm soát không lưu, thuê chuyên gia nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam.
Kiểm soát viên không lưu là “mắt xích” quan trọng liên quan trực tiếp đến dây chuyền cung cấp các dịch vụ đảm bảo an toàn bay và là lực lượng chủ chốt của ngành Quản lý bay. Để nâng cao hơn nữa năng lực an toàn và chất lượng dịch vụ điều hành bay, đào tạo được đội ngũ kiểm soát viên không lưu có trình độ ngang bằng các nước trong khu vực, năm 2015 Tổng công ty thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc huy động các nguồn vốn xã hội phục vụ nhu cầu phát triển ngành. Tổng công ty đã xây dựng đề án xã hội hóa đào tạo kiểm soát viên không lưu bằng hình thức liên kết với Trung tâm Huấn luyện Airways (New Zealand) để đào tạo và học viên tự túc về kinh phí học tập, bước đầu đã thành công trong việc tuyển chọn và mở được 02 khóa với 51 học viên. Hiện nay, lực lượng kiểm soát viên không lưu của Tổng công ty đã khẳng định được trình độ, chất lượng, tính kỷ luật và độ chuyên nghiệp cao.
Những năm qua, về cơ bản đội ngũ CB, CNV của Tổng công ty đã có đầy đủ trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện phương thức điều hành bay tiên tiến, hiện đại. Riêng trong giai đoạn 2010 – 2017, Tổng công ty đã tổ chức thực hiện 2.832 khóa học/40.192 lượt người, trong đó có 2.589 khóa đào tạo trong nước/38.755 lượt người, 229 khóa đào tạo tại nước ngoài/1.248 lượt người, 14 khóa đào tạo thuê chuyên gia nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam/197 lượt người với mức kinh phí chi cho công tác đào tạo huấn luyện hàng năm tăng trung bình 5%. Cùng trong giai đoạn 2010 – 2017, Tổng công ty đã mở rộng hợp tác, tận dụng và phát huy các nguồn tài trợ về đào tạo huấn luyện trong khuôn khổ các dự án hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, chủ động tìm kiếm các nguồn tài trợ học bổng của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế và các cơ sở đào tạo nước ngoài (Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Hoa Kỳ). Tổng công ty đã cử 158 lượt người tham dự 69 khóa tập trung các nội dung về quản lý luồng không lưu, thiết kế phương thức bay, khí tượng, an ninh hàng không…
Học viên Kiểm soát viên không lưu tham gia đào tạo tại AirWays NewZealand
Trong 25 năm qua, Tổng công ty đã tổ chức đào tạo được hàng trăm khóa học kể cả trong nước và ở nước ngoài với tổng số hơn 35.000 lượt người trong nước và hơn 2.000 lượt người ở nước ngoài; tổ chức bay cảm giác cho hơn 3.500 lượt kiểm soát viên không lưu. Đến nay, Tổng công ty đã có 183 người đạt trình độ tiến sỹ, thạc sỹ; 1.972 người đạt trình độ đại học, cao đẳng; 617 kiểm soát viên không lưu, 100% kiểm soát viên không lưu trong dây chuyền điều hành bay đều đạt tiêu chuẩn tiếng Anh mức 4 theo quy định của ICAO. Hiện nay, Tổng công ty có 1.124 nhân viên không lưu, 194 nhân viên thông báo tin tức hàng không, 176 nhân viên khí tượng hàng không và 1.084 kỹ sư và nhân viên kỹ thuật chuyên ngành quản lý bay.
Với nhận thức nguồn nhân lực là cốt lõi tồn tại và phát triển của cả hệ thống, đặc biệt là đối với hệ thống cung cấp dịch vụ điều hành bay thì lực lượng tham gia trực tiếp vào dây chuyền điều hành bay là nhân tố then chốt cần được bồi dưỡng, phát triển, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Vì vậy trong thời gian tới, Tổng công ty đã đề ra các giải pháp để đạt được mục tiêu phát triển nguồn nhân lực đảm bảo về số lượng và nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đảm bảo hoạt động bay với mục tiêu an toàn, điều hòa và hiệu quả.
Nguồn vatm.vn
- Việt Nam tham dự Hội nghị nhóm chuyên trách Thực hiện Quản lý tin tức hàng không lần thứ 13 (AAITF/13)
- Trung tâm Thông báo tin tức hàng không tổ chức vận hành thử nghiệm phương án ứng phó khai thác kỹ thuật cho hệ thống AIS
- Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2015-2020
- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo “nóng” về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19
- Hội thảo về Quản lý luồng không lưu giữa VATM và AEROTHAI