Ở Việt Nam, trong thời gian qua, những kết quả đạt được trong PCTN, tiêu cực là rất quan trọng, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, có mặt thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, với những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của thế giới và khu vực trong thời gian tới, cũng như tình hình trong nước cho thấy Việt Nam cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong PCTN, tiêu cực, đòi hỏi những giải pháp căn cơ, đột phá. Với ý nghĩa đó, bài viết phân tích, bước đầu làm rõ những thách thức, từ đó đưa ra những giải pháp, khuyến nghị đối với Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả PCTN, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay.
Thời gian qua, không ít cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, làm việc ở những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật của Đảng, hành chính của Nhà nước và xử lý hình sự. Tổng kết công tác xây dựng Đảng của nhiệm kỳ XII, Đại hội XIII đã chỉ ra: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp”(1).
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, công tác PCTN, tiêu cực đã được đẩy mạnh, có nhiều điểm đột phá. Thậm chí, có thể khẳng định, một trong những thành tựu nổi bật nhất trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng là công tác PCTN; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có sự thay đổi rõ rệt về chất. Đánh giá về công tác PCTN, lãng phí, Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: “Công tác đấu tranh PCTN được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm”(2).
Phiên họp thứ 21 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Tổng kết về công tác PCTN, tiêu cực trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng cho thấy, có đến hơn 87 nghìn đảng viên bị kỷ luật(3), trong đó vi phạm chủ yếu là nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, những điều đảng viên không được làm, tham nhũng, tiêu cực, buông lỏng lãnh đạo, cố ý làm trái. Kết quả cũng cho thấy, có đến 113 cán bộ cao cấp diện Trung ương quản lý bị kỷ luật (tăng hơn 10 lần so với nhiệm kỳ Đại hội XI – chỉ xử lý 11 trường hợp cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý). Thanh tra Chính phủ và thanh tra chuyên ngành đã chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý gần 450 vụ, hơn 600 đối tượng. Kiểm toán nhà nước đã chuyển gần 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật. Từ năm 2013-2020, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ/24.410 bị can, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ/22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa hơn 800 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo(4).
Tuy nhiên, “Công tác PCTN ở một số địa phương, bộ, ngành chuyển biến chưa rõ rệt, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác PCTN chưa được đề cao. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế; tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi… Tham nhũng trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi; tình trạng nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến, gây bức xúc trong xã hội… Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”(5).
1. Những thách thức đối với công tác PCTN, tiêu cực ở nước ta hiện nay
Một là, thách thức đến từ sự tinh vi, phức tạp của hành vi tham nhũng, tiêu cực. Hành vi tham nhũng, tiêu cực rất đa dạng, phức tạp và biến tướng ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Nếu như trước đây, tham nhũng chỉ đơn giản là hành vi “ăn cắp vặt”, nhận “phong bì”, lợi ích vật chất nhỏ, tính chất riêng lẻ, đơn giản, manh mún, thì nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tham nhũng đã “biến hình”, khoản tiền tham nhũng ngày càng lớn hơn, hành vi có tính cấu kết, nhiều vụ có tổ chức, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, “lợi ích nhóm” ngày càng chặt chẽ, khép kín, có sức mạnh “lũng đoạn” các quyết sách của cả tập thể, tổ chức. Lợi ích mà tham nhũng hướng đến không chỉ dừng lại ở vật chất nữa, mà còn phi vật chất, không chỉ diễn ra trong khu vực công, mà còn trong khu vực tư, có sự móc nối, câu kết chặt chẽ giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước với doanh nghiệp… Không chỉ tham nhũng, hành vi tiêu cực còn đa dạng, tinh vi, phức tạp hơn, biểu hiện trong tất cả các lĩnh vực công tác, đời sống chính trị của cán bộ, công chức, viên chức…
Hai là, thách thức từ chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng. Luật PCTN năm 2018 quy định “tham nhũng” là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” (Khoản 1, Điều 3). Như vậy, chủ thể của hành vi tham nhũng rất đặc biệt, phải là những người có chức vụ, quyền hạn. Khoản 2, Điều 352 Bộ luật hình sự 2015 và Khoản 2, Điều 3 Luật PCTN giải thích: “Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó”. Luật PCTN cũng chia thành 5 nhóm chủ thể có chức vụ, quyền hạn, trong đó điển hình nhất là nhóm cán bộ, công chức, viên chức. Xuất phát từ chức vụ, quyền hạn của mình, chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng thường có nhiều quyền lực, quan hệ, kinh nghiệm, hiểu biết và họ có thể sử dụng quyền lực, quan hệ, hiểu biết, kinh nghiệm, tiền bạc để “ẩn mình”, “bọc lót”, che chắn cho việc vi phạm rất chắc chắn, kỹ lưỡng, thậm chí tác động ngược trở lại các công cụ chống tham nhũng để làm giảm hoặc vô hiệu hóa khả năng chống tham nhũng của các công cụ này. Những đặc điểm này của chủ thể hành vi tham nhũng chính là yếu tố gây khó khăn, thách thức lớn cho việc phát hiện, điều tra, xét xử hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Ba là, thách thức từ sự suy thoái, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là trong cơ quan có chức năng PCTN, tiêu cực. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên là vấn đề đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến khi người bàn về đạo đức cách mạng. Người luôn coi chủ nghĩa cá nhân, chứng bệnh tiêu cực là một loại giặc “nội xâm”, thứ bệnh nguy hiểm ẩn nấp trong lòng mỗi con người, nguy hiểm không kém giặc ngoại xâm, vì nó phá ta “từ trong phá ra”. Thứ bệnh này cũng được Đảng ta nhận diện, chỉ ra từ Đại hội VI, nhưng đặc biệt được quan tâm và đề cập rõ nét về tính chất diễn biến phức tạp, nhất là những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đại hội XII, XIII. Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa qua (diễn ra ngày 9/12/2021, tại Hà Nội), đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị rất sâu sắc và quan trọng. Theo đồng chí Tổng Bí thư, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) lại tiếp tục bàn về việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng cũng còn những hạn chế, khuyết điểm. Trong đó, “hệ thống chính trị ở nước ta chưa thực sự trong sạch, vững mạnh như mong muốn; không ít cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, làm việc ở những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực vẫn thiếu tu dưỡng và rèn luyện, vẫn sa vào chủ nghĩa cá nhân, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự”. Đồng chí Tổng Bí thư đã nghiêm túc, thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân chủ yếu là do: “Một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu, chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình… không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa gương mẫu, thẳng thắn phê bình, tự phê bình, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí còn mắc vào chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, lợi ích nhóm, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất; thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân”(6).
Nhưng điều đáng lo hơn cả là, hiện nay, sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một số cán bộ, đảng viên trong các cơ quan có chức năng PCTN đã bắt đầu xuất hiện và ngày càng gia tăng. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, có không ít các vụ việc tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng. Đơn cử, trong ngành Thanh tra, trong giai đoạn 2013-2020, trong các cơ quan thanh tra nhà nước đã xảy ra 71 vụ việc tham nhũng, tiêu cực, trong đó 3 vụ việc xảy ra tại thanh tra cấp bộ, 16 vụ việc xảy ra tại thanh tra cấp tỉnh, 42 vụ tại Thanh tra cấp huyện và 9 vụ tại Thanh tra sở. Số cán bộ, công chức, viên chức thanh tra có hành vi tham nhũng, tiêu cực là 105 người(7). Dân gian có câu “làm nghề nào ăn nghề ấy” để nói về nghề nghiệp của mỗi người, ai làm nghề nào thì sống bằng nghề đó, nhưng dân gian cũng có câu “làm nghề nào, xào nghề đó” để chỉ những người tham ô, tham nhũng, kiếm chác, lợi dụng vị trí công tác, nghề nghiệp của mình để trục lợi. Và điều này cũng không loại trừ tình trạng tham nhũng trong chính những cơ quan có chức năng chống tham nhũng. Bởi vậy, đồng chí Tổng Bí thư đã nhiều lần nhấn mạnh: “Phải chống tham nhũng ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng”. Đây là một thách thức rất lớn đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải có biện pháp kiên quyết, toàn diện và triệt để trong phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực, nhất là phải kiểm soát cho được quyền lực của những người có quyền lực, có trách nhiệm trong PCTN, không để sự tha hóa, biến chất, sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” lợi dụng, lạm dụng quyền lực để trục lợi.
Bốn là, thách thức trong quá trình hội nhập, đổi mới và sự tác động tiêu cực từ nền kinh tế thị trường. Mặt trái của xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế tác động không nhỏ làm phát sinh nhận thức chính trị sai lệch trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Một số thế lực thù địch triển khai các hành động chống phá, thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đưa ra các luận điệu vô cùng gian xảo hòng làm thay đổi tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên, từ đó hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng và phủ định con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Mặt khác, hội nhập quốc tế đặt ra những vấn đề phức tạp, khó khăn và thách thức cho công tác PCTN nhất là trong việc xác định hành vi tham nhũng và các biện pháp đấu tranh PCTN. Tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn bởi có yếu tố nước ngoài (việc chuyển tài sản, tiền tham nhũng ra nước ngoài hoặc hành vi tiếp tay cho hoạt động rửa tiền của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài vào Việt Nam; người tham nhũng có thể lựa chọn nước ngoài là nơi không chỉ tẩu tán tài sản tham nhũng mà còn là nơi để trốn tránh sau khi có hành vi tham nhũng, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với tội phạm nguy hiểm này)(8).
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H.2021, t.2, tr.223.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, t.2, tr.206.
(3) https://ubkttw.vn/tin-tuc-thoi-su/-/asset_publisher/bHGXXiPdpxRC/content/hoi-nghi-toan-quoc-tong-ketcong-tac-phong-chong-tham-nhung-giai-oan-2013-2020
(4) Nguồn: https://noichinh.vn/tin-tuc-su-kien/tin-trung-uong/202102/ket-qua-cong-tac-phong-chong-thamnhung-giai-doan-2013-2020-309186/
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, tr.213.
(6) https://baodantoc.vn/toan-van-bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-can-bo-toanquoc-ve-xay-dung-chinh-don-dang-1639045411281.htm
(7) Ngô Mạnh Hùng: Thực trạng tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của các cơ quan Thanh tra Nhà nước, kiến nghị giải pháp khắc phục. Nguồn: http://www.issi.gov.vn/thuc-trang-tham-nhung-tieu-cuc-trong-hoatdong-cua-cac-co-quan-thanh-tra-nha-nuoc-kien-nghi-giai-phap-khac-phuc_t104c2716n3065tn.aspx
(8) Trịnh Thăng Quyết: Các yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện pháp luật về PCTN ở Việt Nam hiện nay. Nguồn: https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/202104/cac-yeu-to-anh-huong-den-thuc-hien-phap-luat-ve-phongchong-tham-nhung-o-viet-nam-hien-nay-309378/
(9) Hà Thị Thùy Dương: PCTN từ góc nhìn văn hóa truyền thống. Nguồn: http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dien-dan/item/2910-phong-chong-tham-nhung-tu-goc-nhin-van-hoa-truyen-thong.html
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, t.1, tr.25.
|
TS. Nguyễn Xuân Trường
(Ban Nội chính Trung ương)