Nhằm đáp ứng an toàn và hiệu quả khi lưu lượng hoạt động bay tăng cao cả về số lượng và tính chất hoạt động bay, sau khi được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt, 7h00 ngày 27/02/2020, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã chuyển đổi áp dụng phương thức khai thác dịch vụ giám sát không lưu tại khu vực sân bay Vinh và Cát Bi.
Dịch vụ giám sát không lưu là một thuật ngữ được sử dụng để xác định dịch vụ cung cấp trực tiếp thông qua các phương tiện của hệ thống giám sát không lưu (ra đa, ADS-B, MLAT…).
Đây là dịch vụ đã được áp dụng phổ biến trên thế giới và thực tế hiện nay Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã triển khai tại 02 vùng thông báo bay của Việt Nam và 04 khu vực sân bay quốc tế là Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, chưa từng được áp dụng tại các sân bay nội địa.
Đây là phương thức quản lý, điều hành bay sử dụng giám sát thay thế phương pháp điều hành bay cổ điển. Với phương thức này, kiểm soát viên không lưu sẽ được áp dụng phân cách tối thiểu giữa các tàu bay là 5NM thay vì 5 phút như hiện nay. Việc áp dụng phương thức mới này sẽ giúp giảm phân cách giữa các tàu bay, giảm thời gian chờ đợi của chuyến bay (hiện nay khoảng 10 phút chờ, sau khi áp dụng chỉ còn 4-5 phút). Các mạch bay được rút ngắn, tàu bay thoát ly đường cất hạ cánh nhanh hơn sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội cho các hãng hàng không và cho chính hành khách. Hơn nữa, để nâng cao an toàn và hiệu quả khai thác, điều hành bay, mạng cảnh báo (safety net) cũng được Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam triển khai áp dụng thống nhất, đồng bộ giúp ngăn ngừa từ xa các xung đột nếu có, giảm đáng kể cường độ làm việc cho kiểm soát viên không lưu.
Sau khu vực sân bay Vinh, Cát Bi, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch chuyển đổi áp dụng khai thác dịch vụ giám sát không lưu tại khu vực các sân bay Thọ Xuân, Đồng Hới, Vân Đồn vào ngày 21/5/2020. Như vậy, toàn bộ khu vực sân bay phía Bắc của Việt Nam sẽ được triển khai áp dụng các công nghệ kỹ thuật hiện đại, tự động hóa dữ liệu, đồng bộ, thống nhất, công tác giám sát điều hành bay được liền mạch, góp phần tăng năng lực điều hành bay của toàn vùng lên gấp đôi. Đây sẽ là nền tảng cho sự phát triển trong tương lai của công tác quản lý, sắp xếp luồng tàu bay đi/ đến các sân bay, kết nối với hàng không Việt Nam với hàng không quốc tế theo đúng lộ trình kế hoạch phát triển triển sâu, rộng của hàng không dân dụng Việt Nam trong tương lai.
Nguồn vatm.vn
- Một số khó khăn vướng mắc của ngành Hàng không trong công tác phòng chống dịch Covid-19
- Jetstar Pacific khai trương tuyến bay mới giữa Chu Lai – Buôn Ma Thuột
- Hội nghị hiệp đồng quản lý không lưu giữa Campuchia, Lào và Việt Nam
- Hàng không Việt Nam gia nhập Công ước Montreal 1999
- Quản lý bay thời Covid-19: Kiểm soát tốt không lưu, tăng phòng dịch