Với 3 phần và 4 luận điểm cơ bản, cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có giá trị rất cao cả về lý luận và thực tiễn, là "cẩm nang” trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta.
"Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh"- cuốn sách của Tổng Bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật, xuất bản tháng 2/2023, đúng vào dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, do Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng Ban.
Cuốn sách có dung lượng 600 trang và 111 hình ảnh minh họa. Nội dung cuốn sách được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn phong phú, thể hiện tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần làm sáng rõ tư duy lý luận của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Về cấu trúc: Cuốn sách được chia làm 3 phần:
Phần một: "Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam”, gồm bài tổng quan và 04 bài phát biểu kết luận tại các Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các năm 2014, 2018, 2020, 2022 và trích kết luận chỉ đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại 36 phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ năm 2013 đến năm 2022. Nội dung chính của phần một là: Tổng kết thực tiễn và rút ra những vấn đề có tính lý luận về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam. Khẳng định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược song cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp "Không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng trong thời gian ngắn. Do vậy, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và phương pháp đúng; không thể chủ quan, nóng vội”(1), không chỉ làm một lần là xong, ngược lại, phải làm kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, thường xuyên, liên tục; làm đi làm lại nhiều lần như đánh răng, rửa mặt hằng ngày. Thực tiễn đó là cơ sở để Đảng ta rút ra các bài học, nhiệm vụ, giải pháp, cách làm hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tham những, tiêu cực ở thời gian tiếp theo.
Phần hai: "Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc”, gồm 22 bài viết, bài phát biểu được tuyển chọn từ hơn 500 bài viết, bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Thông điệp chính của phần hai là: Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần phòng ngừa từ xa, từ sớm, trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên để trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực.
Phần ba: "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, tuyển chọn 96 trên tổng số hàng vạn ý kiến của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội, các chính khách, học giả nước ngoài bày tỏ sự tin tưởng, ủng hộ, đánh giá cao đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thể hiện rõ tư tưởng: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách mà là mối quan tâm chung của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên và cả bạn bè quốc tế. Khi "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, thì không tham nhũng, tiêu cực nào có thể tồn tại.
Qua nội dung 3 phần của cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" đã cho thấy rõ tư tưởng nhất quán và xuyên suốt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đấu tranh phòng chống tham những, tiêu cực. Tư tưởng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được thể hiện qua 4 luận điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, Tổng Bí thư đã chỉ rõ bản chất của tham những tiêu cực và tác hại của nó: "Tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là "khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực”(2). Tác hại của tham những, tiêu cực là "tác hại tiềm ẩn, khôn lường… làm hư hỏng, mất cán bộ, mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và cuối cùng là mất chế độ”(3), nó lại "diễn ra đối với những người có chức, có quyền”(4).
Thứ hai, phòg, chống tham nhũng, tiêu cực, đẩy lùi tham những, tiêu cực cũng chính là thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là đấu tranh chống "giặc nội xâm” gian hiểm, ngoan cố, không phải là cuộc đấu giữa các "phe cánh” hay "đấu đá nội bộ”.
Thứ ba, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ rất khó khăn, rất phức tạp, đòi hỏi phải có quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, phải tiến hành một cách thật kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, liên tục và phải có cơ chế kiểm soát quyền lực: "Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm”(5). Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần "phải kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; trong đó phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, đột phá”(6), trong đó phòng ngừa từ xa, từ sớm trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Tổng Bí thư cũng chỉ rõ: "Xử lý tham nhũng, tiêu cực là để "trị bệnh cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; từ đó để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính” phải "kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng; đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung”(7).
Thứ tư, sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng là nhân tố quan trọng, quyết định thắng lợi trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từ thực tiễn của đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, Tổng Bí thư đã khẳng định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực "Phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị”(8). Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng không chỉ ở cấp Trung ương thực hiện mà các địa phương cũng phải nghiêm túc thực hiện, không được để xảy ra tình trạng "trên nóng, dưới lạnh”. Muốn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả, cần "huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”(9). Một khi có sự lãnh đạo của Đảng, có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tai mắt của quần chúng nhân dân, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ thành công.
Từ những luận điểm trên, có thể khẳng định cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có giá trị rất cao cả về lý luận và thực tiễn, là "cẩm nang” trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta.
Cùng với nhận thức, lý luận, trong thời gian qua, việc xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đã thể hiện quyết tâm cao độ của Đảng ta trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời là bài học sâu sắc cho mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự tu dưỡng, rèn luyện trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao, giữ mình trong sạch, thực sự xứng đáng với niềm tin của nhân dân, như lời nhắn nhủ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãnh phí”(10).
Với những nội dung sâu sắc trên, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có tác dụng giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận diện rõ về tham nhũng, tiêu cực cùng những tác hại của nó. Đồng thời cũng nhận thức rõ quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như của Đảng, Nhà nước ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với những vấn đề lý luận, kết quả đạt được trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua là minh chứng cụ thể về sự đúng đắn về tư tưởng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Kết quả đó cũng đã góp phần thúc đẩy sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại của Đảng. Những kết quả đã đạt được, cũng là cơ sở quan trọng để Đảng tiếp tục xác định những việc cần làm và cách làm hiệu quả để tiếp tục đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.
Về mặt hình thức nghệ thuật, các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được trình bày theo phong cách báo chí. Điều đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rất khéo léo vận dụng ngôn từ, lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân để thể hiện tư tưởng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cụ thể như: Tổng Bí thư nói về tham những vặt: "Đi làm gì cũng phải phong bao phong bì, lót tay, gợi ý. Tham nhũng vặt như ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu chứ không phải chỉ có tham nhũng lớn”; nói về sự cậy quyền thế, lợi ích nhóm: "cua cậy càng, cá cậy vây”; nói về tình trạng chống tham những theo kiểu hình thức: " lúc đầu thì rầm rộ, nhưng sau thì cứ nguội lạnh dần, "đầu voi đuôi chuột”; hay câu nói "Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu”(11) vốn là câu nói cửa miệng của người dân đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dùng để nhắc nhở, cảnh tỉnh cán bộ, đảng viên hãy tránh xa tham nhũng tiêu cực.
Đặc biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dùng hình ảnh "cái lò”, "củi” và sự "đốt lò” để chỉ sự đấu tranh phòng chống tham những, tiêu cực: "Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công” (12). Có thể thấy cách nói, cách viết của Tổng Bí thư rất gần với phong cách nói, viết giản dị mà thâm thúy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngay từ khi vừa ra đời, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được quan tâm vì nó đáp ứng lòng mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đã có nhiều cuộc hội thảo, trao đổi, tọa đàm, giới thiệu, quán triệt từ trung ương tới địa phương nhằm lan tỏa sâu rộng nội dung, tầm quan trọng và ý nghĩa của cuốn sách đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Tỉnh Yên Bái cũng đã tổ chức quán triệt nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới các chi bộ. Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Yên Bái cùng với quán triệt nội dung cuốn sách còn yêu cầu các văn nghệ sỹ thể hiện trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghệ sỹ của mình với đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Văn nghệ sỹ không né tránh những vấn đề tham nhũng tiêu cực, bằng tác phẩm của mình phản ánh, lên án tham những, tiêu cực, ca ngợi những điển hình, tiên tiến, những cách làm hay trong đấu tranh đẩy lùi tham những, tiêu cực khỏi đời sống xã hội. Đã có nhiều tác phẩm của văn nghệ sỹ Yên Bái vào cuộc, trong đó tiêu biểu là tiểu thuyết "Ma tiền” của nhà văn Hoàng Thế Sinh, đã phơi bày những bi kịch của con người mà đồng tiền đã làm cho họ tha hóa. Cái giá mà họ phải trả chính là lời cảnh tỉnh cho những kẻ tham nhũng, tiêu cực.
Trong những ngày này, sự ra đi về cõi vĩnh hằng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đem lại niềm tiếc thương vô hạn với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Cũng có nhiều người băn khoăn, lo lắng, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, đấu tranh, phòng chống tham những, tiêu cực liệu có còn được duy trì hiệu quả như khi Tổng Bí thư còn sống? Người viết bài này, hoàn toàn tin tưởng. những người lãnh đạo Đảng kế tiếp sẽ kế tục xuất sắc tư tưởng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, toàn hệ thống chính trị hợp sức chung tay quyết tâm, kiên trì đánh bại thứ "giặc nội xâm” vô cùng gian hiểm này. Chúng ta đã có cẩm nang "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành xu thế của thời đại; có sự hợp lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thì không thế lực nào có thể ngăn cản nổi. Trong niềm tiếc thương vô hạn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mỗi chúng ta cần biến đau thương thành hành động chung tay với Đảng làm thật tốt những điều tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại. Xin dâng lên Tổng Bí thư bài viết này như một nén tâm hương cầu cho ông thanh thản về với thế giới người hiền!
Nguyễn Hiền Lương
- THẤM THÍA NHỮNG CÂU NÓI SÂU SẮC, TÂM HUYẾT, ĐỂ ĐỜI CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
- Phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Những điểm mới trong mục tiêu phát triển đất nước
- Tự hào vững bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng
- Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới