Sau khi Bộ GTVT có chủ trương cho phép các DN tham gia khai thác thương mại các cảng hàng không, Vietjet Air, Vietnam Airlines và một số doanh nghiệp đã đề xuất được nhượng quyền khai thác một số cảng sân bay như nhà ga T1 Nội Bài, Phú Quốc, Đà Nẵng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề liên quan được cộng đồng DN và người dân quan tâm. Để làm rõ hơn câu chuyện này, sáng ngày 8.4, Báo Lao Động phối hợp cùng Cục Hàng không Việt Nam tổ chức hội thảo “Xã hội hoá hoạt động quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay ở Việt Nam”.
Việc các hãng hàng không Vietjet Air, Vietnam Airlines và một số doanh nghiệp đề xuất được nhượng quyền khai tác một số cảng sân bay như nhà ga T1 Nội Bài, Phú Quốc, Đà Nẵng là tín hiệu tốt cho thấy sự mở đầu của một giai đoạn phát triển mới của ngành hàng không Việt Nam, đặc biệt là hoạt động của các cảng hàng không.
Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều vấn đề liên quan đến sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào thị trường hàng không trong đó có việc mua lại quyền khai thác nhà ga và tiến tới là các dịch vụ khác như định giá tài sản nhà nước, đấu thầu, năng lực tài chính và trình độ quản lý, khai thác của doanh nghiệp. Việc mua lại nhà ga có dẫn đến việc chuyển sự độc quyền từ chủ thể này sang chủ thể khác? Nhà nước có cơ chế kiểm soát và chính sách gì để tạo ra cạnh tranh lành mạnh và hỗ trợ cho doanh nghiệp khai thác kinh doanh hiệu quả.
Ông Phạm Quý Tiêu – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tới dự hội thảo. Ảnh: Hải Nguyễn. |
Vấn đề này rất được cộng đồng doanh nghiệp và người dân quan tâm. Vì thế, Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với Báo Lao Động tổ chức hội thảo “Xã hội hoá hoạt động quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay ở Việt Nam” ngày 8.4 tại Hà Nội dưới sự tài trợ của Tổng công ty Cảng Hàng Không Việt Nam, Công ty Vietjet Air, tập đoàn Sun Group.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Đình Chúc nhấn mạnh: Thời gian vừa qua hoạt động hàng không có nhiều vấn đề nóng thu hút sự chú ý của dư luận như giá cả dịch vụ, vệ sinh sân bay… Hiện nay, một số hãng hàng không đang đề xuất được nhượng quyền khai thác một số nhà ga sân bay Nội Bài.
Bộ Giao thông Vận tải đã có chủ trương cho phép các doanh nghiệp tham gia khai thác thương mại các cảng hàng không sân bay (CHKSB). Tuy nhiên, còn có nhiều vấn đề liên quan đến sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào thị trường hàng không, trong đó có việc mua lại quyền khai thác nhà ga và tiến tới là các dịch vụ khác.
Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Đình Chúc phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Hải Nguyễn. |
Vì thế, Hội thảo “Xã hội hóa hoạt động quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay ở Việt Nam” nhằm tạo ra một diễn đàn để các bên liên quan thảo luận, trao đổi.
Mở đầu tham luận “Xã hội hóa cảng hàng không, sân bay trong trong chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng giao thông”, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh điểm lại quá trình phát triển của thị trường vận tải hàng không Việt Nam. Theo đó, thị trường hàng không Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng cao, liên tục với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2001-2014 là 14,5% về hành khách và 15,3% về hàng hoá và theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), thị trường hàng không Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về tốc độ tăng trưởng.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh. Ảnh: Hải Nguyễn. |
Hiện nay, tại Việt Nam có 4 hãng hàng không Việt Nam gồm Vietnam Airlines (VN), Jetstar Pacific Airlines (BL), VietJet Air (VJ) và VASCO, khai thác 111 tàu bay, 56 đường bay quốc tế, 46 đường bay nội địa.
Theo kế hoạch, đến năm 2020 đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ là 205 chiếc.
Về hệ thống CHKSB, hiện nay Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với 100% vốn nhà nước được Nhà nước giao quản lý, khai thác toàn bộ hệ thống 22 CHKSB (trong đó có 21 CHKSB đang có hoạt động khai thác) với tổng công suất thiết kế tính đến hết năm 2014 là 56 triệu lượt hành khách và tính đến hết tháng 3/2015 là 58 triệu lượt hành khách.
Theo kế hoạch đến năm 2030, ngành hàng không phải tiếp tục đầu tư xây dựng CHKQT Long Thành, CHK Vân Đồn, mở rộng CHKQT Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các CHK nội địa. Dự báo đến 2020 tổng thị trường hành khách thông qua CHKSB sẽ đạt 106 triệu, đến năm 2030 đạt trên 200 triệu lượt hành khách.
Liên quan tới thực trạng và nhu cầu xã hội hoá đầu tư kết cấu hạ tầng CHKSB, ông Thanh cho biết trong giai đoạn 2001-2014, ngành hàng không đã thực hiện việc đầu tư xây dựng trên tất cả các lĩnh vực kết cấu hạ tầng CHKSB, bảo đảm hoạt động bay, đầu tư đội tàu bay cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành. Tuy nhiên, phần vốn đầu tư từ NSNN và TPCP chỉ chiếm 5% tổng vốn đầu tư toàn ngành, còn lại 95% là nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách và nguồn vốn tư nhân chỉ chiếm 4%.
Giai đoạn 2015-2020 tổng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng hàng không là 230.215 tỷ đồng. Trong khi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước rất khó khăn, quỹ đầu tư của các doanh nghiệp cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thực tế, vì vậy để khai thác được các nguồn vốn đầu tư khác trong xã hội thì việc xã hội hóa đầu tư và khai thác để kêu gọi các nguồn vốn khu vực tư nhân (trong và ngoài nước) là một nhu cầu cấp thiết.
Đến thời điểm hiện nay, hành lang pháp lý cho việc xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng CHKSB cơ bản đã được quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, một số cơ chế để thực hiện cần tiếp tục được hoàn thiện, đảm bảo thu hút được Nhà đầu tư, hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhà đầu tư và Người sử dụng.
Theo ông Thanh, việc thực hiện xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng CHKSB không được ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, không chuyển giao hoặc ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước đồng thời bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, chống lạm dụng vị thế độc quyền, bảo đảm duy trì đồng bộ hoạt động HKDD, thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông hàng không của Nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch và lợi ích của Nhà nước.
Việc nhượng quyền khai thác không được làm thay đổi chức năng của công trình theo quy hoạch cảng hàng không, sân bay được phê duyệt, mục đích và kế hoạch sử dụng đất khi giao đất, cho thuê đất. Nhà đầu tư phải duy trì chức năng công trình và tiêu chuẩn khai thác theo quy định; thực hiện quy hoạch, kế hoạch nâng cấp, mở rộng cảng hàng không, sân bay của Bộ Giao thông vận tải.
Doanh nghiệp nhượng quyền khai thác công trình phải duy trì việc cung cấp dịch vụ hàng không cho đến khi tổ chức nhận nhượng quyền đủ năng lực và được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ hàng không tương ứng theo quy định của pháp luật.
Trường hợp tổ chức nhận nhượng quyền không thực hiện các yêu cầu nêu trên, Bộ Giao thông vận tải có thể xem xét chấm dứt việc quản lý, khai thác công trình của tổ chức đó để tổ chức việc quản lý, khai thác công trình theo đúng quy định; quyết định xử lý hợp lý hợp đồng nhượng quyền khai thác đã được thực hiện.
Ông Lê Mạnh Hùng – Tổng giám đốc TCty Cảng hàng không VN cho biết: “Bộ GTVT đã ban hành đề án “Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không” tại quyết định số 4908/QĐ-BGTVT ngày 24/12/2014 để huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không theo Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch phát triển và Quy hoạch cảng hàng không, sân bay được duyệt. DNTN sẽ được tham gia vào thị trường hàng không thông qua các hình thức phổ biến như sau: Hợp đồng Dịch vụ, hợp đồng quản lý, hợp đồng nhượng quyền khai thác, hợp đồng BOT, bán sân bay cho đối tác chiến lược, cổ phần hóa (IPO).
Ông Lê Mạnh Hùng – Tổng giám đốc TCty Cảng hàng không VN. Ảnh: Hải Nguyễn. |
Một vấn đề đặc biệt quan trọng mà các nước trên thế giới rất quan tâm là “Liệu hãng hàng không có được phép mua lại quyền khai thác hoặc sở hữu sân bay, nhà ga hành khách hay không?”.
Thực tế, việc nhượng quyền khai thác cả sân bay hay nhà ga hành khách cho một hãng hàng không là trường hợp thiểu số trên thế giới. Tuy nhiên, nếu một hãng hàng không hoặc một liên minh các hãng hàng không được phép mua quyền khai thác hoặc sở hữu một sân bay, công trình kết cấu hạ tầng trong sân bay thì phải có quy định cụ thể đảm bảo các hãng hàng không khác được tiếp cận một cách công bằng với các dịch vụ được cung cấp tại sân bay. Nếu không, chính sự độc quyền này sẽ tạo ra sự chèn ép các hãng hàng không khác, làm giảm lượng hành khách từ các hãng hàng không khác đến sân bay.
Một sân bay nói riêng và hệ thống sân bay nói chung là tài sản cực kỳ quan trọng đối với một quốc gia. Do đó, nếu toàn bộ hay một phần hệ thống sân bay này bị chi phối bởi một nhà khai thác tư nhân thì sẽ tạo ra những rủi ro chính trị, kinh tế nhất định cho quốc gia. Mặt khác, các hãng hàng không và khách hàng có thể không được tiếp cận với dịch vụ ở mức tốt nhất và sẽ tạo ra thế độc quyền nhất định cho nhà đầu tư.
Đồng thời, cần đảm bảo giá các dịch vụ cung cấp tại sân bay không quá cao. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi không chỉ của các hãng hàng không mà còn của hành khách.
Tóm lại, việc huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không nói chung mà cụ thể là hình thức nhượng quyền khai thác, bán cảng hàng không, sân bay nói riêng, là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn, phù hợp với xu thế của thế giới. Bên cạnh các ưu điểm mang lại thì chúng ta cần phải đặc biệt chú ý đến các mặt hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục để có thể thực hiện tốt đề án “Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không” nhằm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet Air chia sẻ về mục tiêu ra đời của hãng hàng không này để biến dịch vụ hàng không trở thành phương tiện di chuyển phổ biến ở Việt Nam và quốc tế cho mọi người dân.
Theo ông Tâm, ba năm trước, Vietjet Air, hãng hàng không trẻ tuổi nhất tại Việt Nam đã bay trong hoài nghi của nhiều người, trong lo lắng của nhiều người cũng như sự chờ đợi, mong mỏi, hy vọng của rất nhiều người, rất nhiều đồng bào.
Sau ba năm, việc vận chuyển hành khách nội địa của hãng đã tăng trên 20%, cao nhất từ trước tới nay và việc đi máy bay đã không còn xa xỉ, hàng triệu người lần đầu tiên được đi trên những máy bay mới hiện đại.
Nhờ chính sách mở cửa cho tư nhân tham gia vào vận chuyển hàng không, Vietjet đã phát triển đội bay 23 chiếc tàu bay mới và trong năm 2014 doanh thu công ty đạt trên 8100 tỉ đồng, nộp ngân sách và thu hộ các lệ phí đạt trên 1400 tỉ đồng, lũy kế trên 2600 tỉ đồng.
Theo ông Tâm, dù tăng trưởng mạnh nhưng Vietjet gặp không ít khó khăn do hãng này hoàn toàn không có mặt bằng tại sân bay, không có các công ty phục vụ mặt đất thuộc hãng. Vietjet là hãng hàng không duy nhất mà toàn bộ các dịch vụ cung ứng tại các cảng hàng không đều không do hãng tự cung cấp.
Ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet Air. Ảnh: Hải Nguyễn. |
Trong khi đó, nhu cầu mở rộng, nâng cấp, xây mới các nhà ga sân bay đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết để đáp ứng được tốc độ tăng nhu cầu vận chuyển của người dân mà Ngân sách nhà nước không thể tiếp tục bao cấp.
Do đó, đại diện Vietjet Air bày tỏ mong muốn chia sẻ gánh nặng đầu tư của nhà nước và sự vất vả của toàn ngành bằng việc xin quyền khai thác một số nhà ga mà hiện hãng đang hoạt động với khoảng 150 chuyến bay hàng ngày.
Trong phương án xin nhượng quyền khai thác của mình, Vietjet Air khẳng định sẵn sàng hợp tác, liên minh liên kết với các đơn vị hoạt động trong ngành hàng không, nhất là các doanh nghiệp cảng hàng không, các hãng hàng không để cùng xây dựng và phát triển ngành Hàng Không Việt Nam hiện đại, hội nhập, đủ năng lực cạnh tranh quốc tế. Hãng này cũng không quan ngại vấn đề xung đột lợi ích, hợp tác và sử dụng dịch vụ chung giữa các hãng hàng không, giữa các doanh nghiệp hoạt động hàng không, hình thành các liên minh, liên doanh đang là xu hướng mạnh mẽ trên thị trường hàng không quốc tế.
Đại diện Vietjet Air cũng cam kết nếu được giao nhượng quyền quản lý, hãng sẽ làm thay đổi toàn diện những hạng mục được giao không thua kém các nhà ga tiên tiến trong khu vực, từ diện mạo, dịch vụ khách hàng, công nghệ quản lý hiện đại tới chi phí hợp lý cho người dùng và đóng góp tốt cho ngân sách
Ông Trương Văn Phước – Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia. Ảnh: Hải Nguyễn. |
Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Văn Phước – Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho biết: “Cá nhân tôi hết sức ủng hộ việc bán, nhượng quyền khai thác sân bay. Vấn đề là bán cái gì, bán như thế nào, cho ai, với giá bao nhiêu… Hiện tại, có chủ trương ưu tiên nhượng quyền cho doanh nghiệp trong nước, nhưng về lâu dài có thể phải tiến tới việc cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Điều quan trọng là phải bàn bạc tìm ra hướng đi tối ưu nhất và đảm bảo việc bán, nhượng quyền sân bay này được thực hiện công khai, minh bạch.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Lương Hoài Nam đưa ra một số kiến nghị: “Xây dựng nghị định, trình tự, thủ tục mở đóng sân bay trên tinh thần cởi mở thông thoáng, khuyến khích đầu tư, phát triển hệ thống sân bay quốc gia bằng vốn xã hội hóa. Quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục thuê quản lý, cho thuê, nhượng quyền, bán sân bay địa phương và một số hạng mục công trình phục vụ của sân bay TƯ. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách, kiểm soát hữu hiệu giá, phí độc quyền khi xã hội hóa cảng hàng không, sân bay.”
Tiến sĩ Lương Hoài Nam trình bày tham luận. Ảnh: Hải Nguyễn. |
- Định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không”.
- Việt Nam tham dự Hội thảo AIM và Hội nghị nhóm chuyên trách Thực hiện Quản lý tin tức hàng không lần thứ 11
- Vietnam Airlines nhận giải thưởng Hãng hàng không có dịch vụ tốt nhất tại sân bay Incheon
- Nhiều đường bay mới ra thế giới trong năm 2015
- Tăng năng lực điều hành bay của ATCC Hà Nội lên gấp đôi