Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc."
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị
Sáng 14/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc."
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Thưa các vị đại biểu,
Thưa toàn thể các đồng chí,
Hôm nay, tôi rất vui mừng được đến dự Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trước hết, tôi xin được thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và với tình cảm cá nhân, gửi tới các đồng chí cùng toàn thể anh chị em cán bộ, công chức, viên chức, những người làm công tác đối ngoại ở trong và ngoài nước lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất. Chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.
Hội nghị hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng (cũng có đồng chí gọi đây là Hội nghị có ý nghĩa lịch sử) vì đây là Hội nghị đối ngoại toàn quốc đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức để bàn về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức phấn đấu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đất nước ta vừa có nhiều thuận lợi, thời cơ lớn, vừa phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới, gay gắt hơn so với dự báo.
Đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, tác động nhiều mặt, gây ra những tổn thất nặng nề đối với nhiều quốc gia, dân tộc, trong đó có nước ta. Dưới sự lãnh đạo kịp thời, đúng đắn của Đảng, sự phối hợp đồng bộ, triển khai quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của đồng bào, chiến sỹ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã cơ bản kiểm soát có hiệu quả đại dịch, chủ động đưa đất nước vào trạng thái bình thường mới, "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" để phát triển kinh tế-xã hội.
Sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc với yêu cầu rất cao trong thời kỳ mới đòi hỏi chúng ta phải phát huy cao độ nội lực, kết hợp với ngoại lực, quyết tâm tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua mọi khó khăn, thách thức để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Kể từ sau thành công tốt đẹp của Đại hội XIII của Đảng, Quốc hội khóa XV đã tổ chức 2 kỳ họp đầu tiên; Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIII, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và các ngành Nội chính, Văn hóa, Xây dựng Đảng cũng đã lần lượt tổ chức hội nghị toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tất cả các hội nghị đều được chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, bài bản và đã rất thành công, đúng với tinh thần "Tiền hô hậu ủng," "Nhất hô bá ứng," "Trên dưới đồng lòng," và "Dọc ngang thông suốt."
Tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc hôm nay, cũng với tinh thần đó, chúng ta sẽ cùng nhau nhìn lại quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng về công tác đối ngoại, quán triệt tinh thần và nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và bàn các biện pháp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm trong những năm tới. Đây cũng là dịp để các cấp, các ngành, các địa phương và đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về tình hình, vị thế của đất nước ta trong khu vực và trên thế giới; vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong tổng thể chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo ra khí thế mới, quyết tâm mới và xung lực mới cho toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, từng tổ chức và cá nhân trong hoạt động đối ngoại.
Thưa các đồng chí,
Như chúng ta đều biết, bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình hình thành và phát triển của mình cũng đều phải xử lý hai vấn đề cơ bản là đối nội và đối ngoại. Hai vấn đề này có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau như hai cái cánh của một con chim, tạo thế và lực cho nhau, gắn kết và đan xen ngày càng chặt chẽ với nhau, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ và sâu rộng. Đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc.
Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc luôn luôn là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của chúng ta.
Bên cạnh các cuộc chiến đấu ngoan cường bảo vệ giang sơn, độc lập, chủ quyền của đất nước, ông cha ta đã luôn luôn chú trọng hoạt động đối ngoại, tạo dựng nên những truyền thống và bản sắc riêng, rất độc đáo của nền ngoại giao và hoạt động đối ngoại Việt Nam: Đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hòa hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa: "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; Lấy chí nhân mà thay cường bạo!"; "Dập tắt muôn đời lửa chiến tranh; Mở nền muôn thủa thái bình!" ("Bình Ngô đại cáo" – Nguyễn Trãi). Dùng đối ngoại để phòng ngừa, ngăn chặn chiến tranh hoặc để sớm kết thúc chiến tranh trong vị thế có lợi nhất; đối ngoại phải luôn luôn phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp đối nội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là những tư tưởng, triết lý vượt thời đại của cha ông ta, mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị.
Những truyền thống và bản sắc tốt đẹp ấy càng được bồi đắp, phát huy và tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh, đã phát triển lên thành nền ngoại giao Việt Nam hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc. Là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đặt nền móng, trực tiếp chỉ đạo và dẫn dắt sự phát triển của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Những nội dung cơ bản của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đều bắt nguồn từ triết lý và truyền thống ngoại giao của ông cha ta, và chính Người đã phát triển những giá trị đó lên tầm cao mới; kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước, văn hóa dân tộc, truyền thống ngoại giao Việt Nam với tinh hoa văn hóa và kinh nghiệm ngoại giao thế giới. Trong đó, luôn luôn đề cao mục tiêu độc lập dân tộc, tinh thần hòa hiếu, hữu nghị, dùng ngoại giao để đẩy lùi xung đột; gắn với thực tiễn của thế giới, để đưa Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy của thời đại.
Người chủ trương: Độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tự lực, tự cường phải gắn với đoàn kết quốc tế; phát huy sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh thời đại; chăm lo, xây dựng mối quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng, bạn bè truyền thống và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Trong hoạt động đối ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quán triệt quan điểm chỉ đạo là "phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ" để biết mình, biết người, luôn làm chủ tình thế; hiểu rõ vị trí chiến lược của Việt Nam trong mối quan hệ giữa các nước lớn. Người đặc biệt coi trọng việc xử lý khéo léo quan hệ với các nước, nhất là các nước láng giềng và các nước lớn; luôn chủ trương tôn trọng và giữ thể diện cho nước lớn; luôn luôn phải "biết mình, biết người," "biết thời, biết thế" để "cương nhu kết hợp" vì lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không muốn đất nước phải chịu cảnh chiến tranh, và cũng không muốn chiến tranh xẩy ra với các nước khác. Chính tư tưởng nhân văn, nhân đạo của Người, đề cao chính nghĩa, đạo lý vì hòa bình và cuộc sống độc lập tự do hạnh phúc của nhân dân tất cả các dân tộc là biểu hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn nhất giữa văn hóa của dân tộc với văn hóa của nhân loại. Với tư tưởng nhân văn ấy, trong hoạt động ngoại giao của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương phải phát huy vai trò của luật pháp quốc tế, vận dụng những giá trị của văn hóa và của ngoại giao truyền thống Việt Nam, cũng như các tư tưởng phổ biến, tiến bộ của nhân loại, chú ý tìm ra những điểm tương đồng, nêu cao tính nhân văn, nhân nghĩa và đạo lý, pháp lý trong quan hệ quốc tế để thuyết phục, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới…
Nhờ đó, cùng với các mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa…, mặt trận ngoại giao luôn luôn đóng vai trò trọng yếu trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, góp phần tạo nên những thắng lợi hết sức to lớn, làm rạng rỡ lịch sử của Dân tộc. Đặc biệt là trong việc "vừa đánh, vừa đàm," đàm phán, bảo vệ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, lúc mới thành lập sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945; đàm phán, ký kết Hiệp định Giơnevơ năm 1954, góp phần giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; đàm phán, ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973, tạo tiền đề để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối. Và từ đó, đối ngoại đã trở thành một mặt trận tạo lối, mở đường, đi đầu từng bước phá thế bị bao vây, cấm vận, khơi thông quan hệ với nhiều đối tác, mở ra cục diện mới cho công cuộc đổi mới, hội nhập, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trong hơn 35 năm đổi mới vừa qua, kế thừa và phát huy truyền thống đối ngoại vẻ vang của Dân tộc, nhất là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đặt nền móng cho nền ngoại giao Thời đại Hồ Chí Minh, Đảng ta đã kế thừa và không ngừng bổ sung, phát triển, hòan thiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở vì hòa bình, hợp tác và phát triển, thực thi chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng mới đây, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thống nhất rất cao về nhận thức và quyết tâm "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế" (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng – Tr. 161-162).
Có thể khái quát lại: Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam," "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển" ("Thân gầy guộc, lá mong manh, mà sao nên lũy, nên thành tre ơi!"), thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, "tùy cơ ứng biến," "lạt mềm buộc chặt"!
Thưa các đồng chí,
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng ta về công tác đối ngoại, trong 35 năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ khóa XII gần đây, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả, thành tích rất tốt đẹp. Nổi bật là (4 vấn đề sau đây):
Một là, từ phá thế bị bao vây, cấm vận, chúng ta đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, thuận lợi cho công cuộc đổi mới. Cho đến nay, chúng ta đã mở rộng và nâng tầm quan hệ ngoại giao với tất cả các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, từ đó tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của quốc tế đối với công cuộc đổi mới của nhân dân ta. Tính ra, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 189 nước trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó 3 nước có "quan hệ đặc biệt," 17 nước "đối tác chiến lược" và 13 nước "đối tác toàn diện". Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO v.v…
Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và đối ngoại của các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp ngày càng mở rộng, chủ động, tích cực và đi vào chiều sâu. Trong đó, Đảng ta đã có quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, bao gồm khoảng 90 đảng cộng sản và công nhân quốc tế, các đảng cầm quyền và tham chính có vai trò quan trọng. Quốc hội có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 quốc gia và tham gia tích cực tại nhiều diễn đàn nghị viện quốc tế quan trọng. Hoạt động đối ngoại của Chính phủ trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội được đẩy mạnh, góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị và đan xen lợi ích với các đối tác. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức hữu nghị của nhân dân cũng đã triển khai đối ngoại thiết thực, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị với nhân dân các nước, quảng bá sâu rộng công cuộc đổi mới, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Hai là, chúng ta đã tạo dựng được môi trường quốc tế thuận lợi và huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế-xã hội. Từ một nước có nền kinh tế kế hoạch tập trung, bị bao vây, cấm vận, đến nay nước ta đã trở thành một nước có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa liên kết kinh tế sâu rộng; đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 3 FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn rất cao, và mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng với hầu hết các nền kinh tế quan trọng trên thế giới. Nếu cách đây 30 năm, chúng ta mới có quan hệ kinh tế – thương mại với gần 30 nước và vùng lãnh thổ thì đến nay đã có quan hệ kinh tế-thương mại với 230 nước và vùng lãnh thổ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến nay đã đạt khoảng 600 tỉ USD, gấp khoảng 120 lần so với những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Chúng ta đã thu hút được hơn 400 tỷ đôla Mỹ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó đã giải ngân được khoảng 250 tỷ USD v.v… Công tác người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã huy động được nguồn lực to lớn của kiều bào ta để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hiện nay, chúng ta đã chủ động đóng góp có trách nhiệm vào sự nỗ lực chung của quốc tế trong phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tranh thủ được sự hỗ trợ của quốc tế về vaccine, thiết bị y tế và thuốc điều trị, đóng góp quan trọng vào việc phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Ba là, đối ngoại đóng vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Các vấn đề biên giới với các nước liên quan từng bước được giải quyết, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để bảo vệ chủ quyền, giữ vững đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời góp phần vào việc củng cố hòa bình, ổn định trong khu vực. Đối với những vấn đề phức tạp về biên giới lãnh thổ, chúng ta luôn giương cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác, tích cực trao đổi, đàm phán với các nước liên quan kiểm soát bất đồng, tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Bốn là, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới. Chúng ta đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng với tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị thượng đỉnh APEC, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN…; đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở châu Phi. Trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, tiếng nói, sáng kiến và cách thức giải quyết có lý, có tình trên tinh thần bình đẳng, hòa hiếu và nhân văn của nước ta đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhờ đó vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Những cố gắng, kết quả và thành tích của chúng ta nói trên đã góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta sau 35 năm đổi mới như Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, làm cho "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay."
Có được những kết quả, thành tích đó là do có sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, bình tĩnh, tỉnh táo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự điều hành chủ động, linh hoạt của Nhà nước; sự đồng tình, đoàn kết, ủng hộ của toàn thể nhân dân; sự vào cuộc và hoạt động tích cực của cả hệ thống chính trị, tất cả các ngành, các cấp, trong đó Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các cơ quan, đơn vị trực tiếp làm công tác đối ngoại trong cả nước là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương và cảm ơn những đóng góp to lớn, rất có ý nghĩa của toàn thể anh chị em đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại.
Tuy nhiên, công tác đối ngoại của chúng ta thời gian qua cũng còn một số hạn chế; có việc chưa làm được hoặc làm chưa tốt như Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra. Cụ thể là, hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế có lúc, có việc chưa thật chủ động và hiệu quả chưa cao. Chúng ta còn thiếu những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế; nhận thức và chỉ đạo thực tiễn có lúc chưa theo kịp những chuyển biến mau lẹ, phức tạp của tình hình; sự phối hợp, kết hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương còn thiếu chặt chẽ; công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo tình hình chưa thật bài bản, kết quả chưa được như mong muốn.
Từ tất cả những kết quả và hạn chế nêu trên và nói chung là từ toàn bộ hoạt động phong phú, sôi động trên mặt trận đối ngoại thời gian qua, chúng ta có thể tiếp tục khẳng định, kế thừa và phát huy những bài học thiết thực được rút ra từ nhiều nhiệm kỳ vừa qua. Đó là 5 bài học:
1. Bài học về kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia – dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế. Tình hình thế giới biến chuyển nhanh chóng, phức tạp, song xu thế lớn và nguyện vọng thiết tha của các dân tộc vẫn luôn luôn là giữ vững hòa bình, mở rộng hợp tác vì sự phát triển. Chúng ta đã xác định đúng đắn và rõ ràng vị trí, vai trò của mình trong hợp tác và phân công lao động quốc tế, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực và toàn cầu. Đường lối, chính sách và mục tiêu trước sau như một của chúng ta luôn luôn phù hợp với xu thế lớn đó của thời đại. Lợi ích quốc gia – dân tộc của chúng ta lúc này vẫn là bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển. Điều đó hòan toàn phù hợp với lợi ích của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
2. Bài học về sự kiên định trong nguyên tắc và linh hoạt trong sách lược. Nguyên tắc của chúng ta là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sách lược của chúng ta là cơ động, linh hoạt điều chỉnh tùy theo từng vấn đề, từng thời điểm và tùy theo đối tượng hay đối tác, tuân thủ những tư tưởng lớn của Bác Hồ: "Dĩ bất biến ứng vạn biến," "thêm bạn bớt thù," "sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai." Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế.
3. Bài học về xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân như lời căn dặn của Bác Hồ: "Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng". Đường lối đối ngoại đúng đắn, giương cao ngọn cờ chính nghĩa và sự triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách cụ thể đã góp phần tạo ra sự đồng thuận cao của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đoàn kết của toàn dân tộc và sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế. Thể chế, chính sách quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp hơn; cơ chế phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân với các hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực, như: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường…; giữa trung ương và địa phương,… đã có nhiều cải tiến, ngày càng đồng bộ hơn, góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp, phát huy sự năng động, sáng tạo, hiệu lực hiệu quả cao của hoạt động đối ngoại, đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện mục tiêu bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa," giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, tạo những thời cơ và điều kiện thuận lợi nhất để phát triển đất nước.
4. Bài học về công tác xây dựng tổ chức bộ máy và công tác cán bộ mà lâu nay chúng ta vẫn thường nói là "cái gốc của mọi công việc". Các thế hệ cán bộ đối ngoại đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong những giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước, trong đó có đội ngũ cán bộ của Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương với chức năng tham mưu và trực tiếp triển khai công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước. "Mang chuông đi đánh xứ người" là một công việc rất khó khăn, vất vả, đòi hỏi những phẩm chất đặc biệt của người làm công tác đối ngoại. Những nỗ lực trên mặt trận đối ngoại thời gian qua đã tạo ra lớp lớp thế hệ cán bộ đối ngoại ngày càng hội đủ tố chất vừa hồng vừa chuyên, bước đầu thể hiện được bản lĩnh, đạo đức, cốt cách của ngoại giao Hồ Chí Minh.
5. Cuối cùng, bao trùm tất cả là bài học về sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước. Các cơ quan lãnh đạo của Đảng, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng các cơ quan tham mưu đã có sự nhạy bén trong nhận định và nắm bắt tình hình, quyết đoán trong việc đưa ra các chính sách, biện pháp cụ thể. Nhiều chủ trương, giải pháp xử lý những vấn đề phức tạp, những tính toán lựa chọn đúng thời điểm tiến hành những hoạt động đối ngoại lớn, trong đó có các việc đón và thực hiện các chuyến thăm cấp cao, đã tác động mạnh mẽ có sức thuyết phục, tạo được sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, và được dư luận quốc tế đồng tình, ủng hộ.”
Thưa các đồng chí,
Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp, đề ra Chiến lược xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới, trong đó có Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đến năm 2025 – kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 – kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 – kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời, Đại hội cũng đề ra chủ trương, đường lối đối ngoại trong thời kỳ mới với những nội dung cốt lõi sau đây:
– Về tư tưởng chỉ đạo: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Ý chí tự lực, tự cường và nội lực là quyết định, cơ bản, lâu dài; sự ủng hộ, giúp đỡ và nguồn lực từ bên ngoài là vô cùng quan trọng.
– Về nguyên tắc đối ngoại: Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
– Về phương hướng đối ngoại: Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; đối ngoại của các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng các doanh nghiệp. Đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thực chất, thiết thực; huy động và kết hợp có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài với nguồn lực trong nước để phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Không ngừng đổi mới, sáng tạo trên cơ sở vận dụng nhuần nhuyễn bài học "dĩ bất biến, ứng vạn biến," kiên định về nguyên tắc, chiến lược, linh hoạt về phương pháp, sách lược.
– Nhiệm vụ cơ bản của đối ngoại: Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Các nhiệm vụ này có quan hệ chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau, trong đó giữ vững hòa bình, ổn định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; nâng cao vị thế và uy tín đất nước là nhiệm vụ quan trọng.
Chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh có nhiều thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. "Trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, nhưng cũng bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt. Do tác động của đại dịch COVID-19, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Các nước điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng. Tại Đông Nam Á, môi trường an ninh, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông còn diễn biến phức tạp…" (SĐD-Tr.30-31).
Để góp phần xứng đáng cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng cũng rất đỗi vẻ vang trong tình hình, bối cảnh nêu trên, trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Hội nghị hôm nay, tôi xin gợi mở, nhấn mạnh thêm 6 vấn đề sau đây:
Một là, chúng ta cần tiếp tục thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, nắm chắc diễn biến tình hình để kịp thời có giải pháp thích hợp trong công tác đối ngoại. Những diễn biến chính trị nhanh chóng, phức tạp trên thế giới thời gian qua có rất nhiều vấn đề vượt ra ngoài dự báo thông thường. Nếu chúng ta không nắm bắt đúng tình hình thì không theo kịp sự phát triển của thực tiễn. Vấn đề là chúng ta phải nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi khuôn khổ những tư duy cũ, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế.
Chúng ta cần xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong ứng xử và xử lý mối quan hệ với các nước, song phương cũng như đa phương. Thế và lực của nước ta trên các tiêu chí quan trọng như kinh tế, dân số, quốc phòng và đối ngoại đã khác nhiều sau 35 năm đổi mới. Đặc biệt, các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi, mang tầm chiến lược của Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn và lập trường đối ngoại tích cực hơn, trước hết ở trong khu vực. Đồng thời, cũng phải đẩy mạnh đổi mới tư duy, mạnh dạn đột phá, sáng tạo trong công tác, tìm ra cách làm mới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới, hướng đi mới. Đương nhiên, đổi mới phải trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, chắc chắn, thận trọng, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm tốn.
Hai là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, vì lợi ích quốc gia-dân tộc; vừa hợp tác, vừa đấu tranh, vận dụng đúng đắn quan điểm về "đối tượng," "đối tác"; tăng cường hợp tác, tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước, ngăn ngừa xung đột, tránh đối đầu, bị cô lập, phụ thuộc. Trong đó, mục tiêu bao trùm là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chính đáng của ta phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong việc bảo đảm môi trường hòa bình thì một trong những yêu cầu then chốt là phải luôn kiên trì, bình tĩnh, sáng suốt, khôn khéo, xử lý đúng đắn các mối quan hệ đối ngoại, trong đó có vấn đề chủ quyền, lãnh thổ. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành ngoại giao là những người đi đầu. Trước những diễn biến của tình hình thế giới như đã nói ở trên, việc thực hiện nhiệm vụ bao trùm này sẽ có nhiều thách thức trong thời gian tới.
Để tranh thủ và tận dụng tối đa cơ hội, kiểm soát và hóa giải các thách thức, ứng phó tốt với những chuyển biến bên ngoài, chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ là: "Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng," theo đó phải luôn luôn đề cao việc xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết và đồng thuận trong nước. Điểm đồng chung nhất, cao nhất ở đây là phải kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; tất cả mọi người đều phải vì nước, vì dân. Có như thế, trong triển khai công tác đối ngoại mới có thể "kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại," thực hiện phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến"; giữ "trái tim nóng, cái đầu lạnh" và "kiên quyết, kiên trì" để xử lý các thách thức đối ngoại, tranh thủ điểm đồng về lợi ích để thúc đẩy hợp tác và phát triển trên cơ sở bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Ba là, phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, thực hiện Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về nâng tầm công tác đối ngoại đa phương, coi đây là một định hướng chiến lược quan trọng, trong đó có việc xây dựng Chiến lược tổng thể về đối ngoại đến năm 2030. Công việc trọng tâm của thời gian tới là triển khai và phát huy các kết quả quan trọng của các diễn đàn đa phương mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là phối hợp với các đối tác thúc đẩy việc thực hiện các sáng kiến đã được thông qua của Việt Nam. Cần thể hiện vai trò nòng cốt trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc an ninh khu vực. Tiếp tục tham gia tích cực trong khuôn khổ hoạt động của Liên hợp quốc, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Tổng kết việc thực hiện và hoàn thành trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho thời gian tới trên các diễn đàn đa phương khác trong và ngoài khuôn khổ của Liên hợp quốc.
Bốn là, cần mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, văn hóa và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh-quốc phòng với các nước; tiếp tục đưa các mối quan hệ với các đối tác mà ta đã có khuôn khổ quan hệ, trước hết là các nước láng giềng và các nước lớn, đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả; ưu tiên duy trì ổn định và giữ đà quan hệ, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đồng thời xử lý các khác biệt và vấn đề nảy sinh trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, kiểm soát bất đồng, dựa trên luật pháp quốc tế và thông lệ khu vực.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nhất là Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Trung ương về việc "Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới" và "Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030." Thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế, trọng tâm là các cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, APEC, CPTPP, RCEP, EVFTA, EVIPA…
Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển bền vững của đất nước. Ưu tiên tìm kiếm và mở rộng thị trường cho hàng hoá, dịch vụ và lao động Việt Nam, thu hút nguồn vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, nhất là FDI hướng vào các lĩnh vực ưu tiên của đất nước. Tích cực cùng các nước thúc đẩy đàm phán, ký kết, phê chuẩn và thực hiện các thoả thuận FTA đa phương; nghiên cứu khả năng tham gia các sáng kiến đa phương trong khu vực về kết nối kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng; tiến hành đàm phán các FTA song phương thế hệ mới với các nước, nhất là với các đối tác thương mại lớn. Triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo đúng tinh thần người Việt Nam ở nước ngoài là máu thịt, là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực quan trọng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Các cơ quan có trách nhiệm cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, cơ chế, luật pháp, tạo điều kiện thuận lợi để bà con ta tham gia ngày càng tích cực, sâu rộng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời hỗ trợ bà con có địa vị pháp lý vững chắc để yên tâm hòa hợp, sinh sống, làm việc, học tập, giữ gìn tiếng Việt và bản sắc văn hóa của dân tộc ta.
Năm là, hết sức coi trọng, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược, tập trung đánh giá kỹ các xu hướng vận động trong chính sách và quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng, khu vực, các xu hướng chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội trên thế giới và khu vực, nhất là trước tác động như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và sự nguy hại của dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Trong trung và dài hạn, phải dự báo trước các kịch bản về những biến đổi trong trật tự thế giới, khu vực và chuẩn bị sẵn các phương án để ứng phó. Phải nhận thức rõ những điểm mạnh, điểm yếu của mình; tỉnh táo xác định giá trị và vị trí chiến lược của đất nước trong tình hình mới để hoạch định chiến lược, chính sách cho phù hợp. Hòa bình, hợp tác và phát triển của thế giới và khu vực là xu hướng chủ đạo của thời đại. Một quốc gia không thể tùy hứng đưa ra những quyết định và hành động đơn phương mà không cân nhắc những tổn thất gây ra cho các quốc gia khác và cho chính mình.
Có thể nói, công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược là vô cùng quan trọng để giữ được sự chủ động trong một thế giới đầy biến động phức tạp. Trung ương Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn đánh giá cao các báo cáo chiến lược của các cơ quan tham mưu và các cơ quan chức năng, chuyên môn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, yêu cầu đối với công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược trong thời gian tới là rất cao, rất nhiều thách thức; tôi mong các đồng chí quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác này. Tôi vẫn thường nói vui rằng "chỉ sợ không biết, chứ đã biết thì không sợ!"
Sáu là, để hoàn thành được những nhiệm vụ nêu trên, phải đặc biệt chú trọng công tác xây dựng tổ chức, bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ.
Về tổ chức bộ máy, hệ thống các cơ quan đối ngoại, bao gồm Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các cơ quan, đơn vị có chức năng làm đối ngoại thuộc tất cả các ban, bộ, ngành, địa phương và toàn hệ thống chính trị cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đồng thời, tiếp tục rà soát, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan, đơn vị có chức năng làm công tác đối ngoại, từ các cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài đến các đơn vị trong nước, hướng tới tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về vấn đề này.
Nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và địa phương, nhất là giữa Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan trong triển khai công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước. Trong thời kỳ hội nhập toàn diện, xu hướng toàn cầu hóa và liên kết, hợp tác là tất yếu thì sự phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, và giữa các ban, bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đối ngoại ở Trung ương cũng như ở địa phương, nhất là các địa phương biên giới có ý nghĩa rất quan trọng để thực hiện thành công nhiệm vụ chung cũng như nhiệm vụ của mỗi ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.
Về công tác cán bộ, tôi xin nhắc lại bài học Đảng ta đã rút ra, đó là "cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Chúng ta đang ở trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Công tác cán bộ cũng phải đáp ứng yêu cầu này. Trong suốt chiều dài của cách mạng, Đảng ta luôn rất coi trọng công tác cán bộ của ngành ngoại giao nói riêng và đối ngoại nói chung. Trong những năm tháng khó khăn, gian khổ nhất của cách mạng, chúng ta luôn luôn có những nhà ngoại giao, nhà hoạt động đối ngoại xuất sắc, những con người đã trở thành tấm gương của mọi thế hệ về lòng yêu nước, về tinh thần tự học hỏi, về bản lĩnh chính trị, về phong cách và nghệ thuật ngoại giao và đối ngoại. Có thể nói, đó là những nhà ngoại giao, những nhà hoạt động đối ngoại, những chính khách được bạn bè quốc tế ghi nhận, nể trọng.
Thế hệ cán bộ đối ngoại hôm nay được thừa hưởng những truyền thống, kinh nghiệm vô cùng quý báu mà các thế hệ trước để lại; được tạo điều kiện thuận lợi về đào tạo và công tác. Mặt bằng chung về học vấn và trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác đối ngoại là rất cao. Tôi được biết, trong Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương hiện nay có nhiều đồng chí có năng lực, được đồng nghiệp và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, trước đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ mới, chúng ta cần tiếp tục coi trọng hơn nữa công tác đào tạo cán bộ ngoại giao, cán bộ đối ngoại cả về trình độ, năng lực lẫn bản lĩnh chính trị, đặc biệt là bản lĩnh chính trị. Các đồng chí phải không ngừng rèn luyện vững vàng về chính trị, luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc, tỉnh táo trước sự tác động, lôi kéo của các thế lực thù địch, chủ động tích cực phòng ngừa không để "tự diễn biến," "tự chuyển hóa," vướng vào tham nhũng, tiêu cực.
Càng hội nhập sâu với thế giới, chúng ta càng cần có các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động đối ngoại có bản lĩnh chính trị vững vàng; đủ trình độ, uy tín, phong cách để sánh vai với các nước, bạn bè quốc tế; toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Một nhà ngoại giao, một nhà hoạt động đối ngoại giỏi trước hết phải là một nhà chính trị giỏi, luôn lấy lợi ích của quốc gia-dân tộc, của chế độ làm kim chỉ nam trong hành động; đồng thời phải có phong cách ứng xử văn hóa, bởi lẽ đối ngoại chính là văn hóa, là đại diện cho văn hóa của dân tộc trong giao lưu với các dân tộc khác. Các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động đối ngoại cần luôn luôn ghi nhớ rằng phía sau mình là Đảng, là đất nước, là nhân dân. Phải tự tin, vững vàng, kiên định và khôn khéo, mưu lược.
Thưa các đồng chí,
Thế giới đang chuyển biến mau lẹ. Đất nước ta dù còn khó khăn, nhưng triển vọng tương lai rất xán lạn. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang đồng lòng, quyết tâm cao nhất thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Là người Việt Nam, dù ở trong nước hay nước ngoài, ai cũng mong muốn nước ta hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu, như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tôi tin rằng Hội nghị của chúng ta hôm nay sẽ đánh một dấu mốc mới và tạo nên bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa cho công tác đối ngoại. Tôi được biết, ngay sau Hội nghị hôm nay, ngành goại giao sẽ tổ chức hội nghị ngoại giao để quán triệt tinh thần, kết luận tại Hội nghị này để thảo luận phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp cụ thể trong lĩnh vực ngoại giao, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội XIII. Đây là cách làm tốt cần tiếp tục phát huy.
Nhân dịp năm mới 2022 và Xuân Nhâm Dần sắp đến, một lần nữa, tôi xin chân thành cảm ơn và chúc các nhà ngoại giao, các đồng chí đại biểu, cùng toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác đối ngoại cả nước luôn luôn dồi dào sức khoẻ và thu được nhiều thắng lợi mới trong nhiệm vụ đầy vinh quang và trọng trách của mình.
Tôi cũng nhờ các đồng chí trưởng cơ quan đại diện ngoại giao chuyển tới các cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng người Việt Nam ta ở nước ngoài lời thăm hỏi chân tình, lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất. Chúc quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân ta và nhân dân thế giới ngày càng phát triển và bền chặt.
Quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc – trường phái ngoại giao "Cây tre Việt Nam"!
Xin trân trọng cảm ơn!
Trích nguồn: dangcongsan.vn
- Vô cùng tiếc thương, lưu luyến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến!
- Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII
- Đảng ủy ATTECH tổ chức Hội nghị quán triệt các văn bản của cấp trên về tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Thông báo Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII