Từ 00g01 UTC (07g01 giờ địa phương) ngày 06 tháng 12 năm 2018, Công ty Quản lý bay miền Nam đã triển khai áp dụng giảm phân cách tối thiểu từ 5NM (dặm) xuống 03NM trong vùng trời tiếp cận Tân Sơn Nhất.
Đây là giải pháp quan trọng nhằm tối ưu hóa năng lực thông qua của vùng trời, nâng cao khả năng linh hoạt trong việc tổ chức và phối hợp điều hành bay trong vùng trời sân bay. Qua đó tăng cường tổng thể năng lực thông qua của vùng trời, đáp ứng các yêu cầu hiện tại và tương lai trong việc cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, đặc biệt nâng cao năng lực tiếp thu các tàu bay đi, đến Cảng Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất. Sân bay Tân Sơn nhất hiện có lượng cất hạ cánh trung bình 680 chuyến/ngày, vào các dịp lễ tết tăng lên hơn 800 chuyến/ngày, dự kiến dịp Tết Nguyên đán năm nay có thể đạt mức 900 chuyến/ngày.
Tổng giám đốc Đoàn Hữu Gia và Giám đốc Phạm Văn Long chỉ đạo tại thời điểm chuyển đổi
Thế giới hội nhập, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ngày càng tăng cao, việc đầu tư xây dựng và liên tục áp dụng các công nghệ mới là một yêu cầu tất yếu của ngành hàng không. Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam là thị trường hàng không đang phát triển nhanh và năng động, xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Lưu lượng hoạt động bay tại Việt Nam trong những năm vừa qua liên tục tăng trưởng hai con số và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng với mức cao trong những năm tới.
Trước sự tăng trưởng bùng nổ của thị trường hàng không hiện nay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tổ chức nghiên cứu áp dụng các phương thức, tiêu chuẩn khai thác mới, nhằm tăng năng lực khai thác vùng trời, đảm bảo cung cấp dịch vụ không lưu thông suốt đáp ứng lưu lượng hoạt động bay ngày càng cao. Việc nghiên cứu, đánh giá và điều chỉnh giá trị phân cách tối thiểu đóng vai trò then chốt nhằm tăng năng lực thông qua cũng như tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vùng trời. Giá trị phân cách phẳng tối thiểu sử dụng hệ thống giám sát giữa 02 tàu bay trong vùng trời tiếp cận sân bay trong giai đoạn trước đây được áp dụng là 5NM. Hiện nay với sự phát triển về khoa học công nghệ trong lĩnh vực giám sát hoạt động bay, ngày càng nhiều các hệ thống giám sát tiên tiến, đa dạng với độ chính xác cao trên thế giới được Tổng công ty đầu tư đưa vào sử dụng (hệ thống ra đa mode-S, ADS-B…) đã cải thiện cả về chất lượng giám sát, tầm phủ và các mức độ sẵn sàng, liên tục của hệ thống.
Sau khi thực hiện các nghiên cứu, đánh giá hệ thống thiết bị bảo đảm hoạt động bay hiện hữu, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã có báo cáo đề xuất và được Cục Hàng không Việt Nam cho phép thực hiện giảm phân cách tối thiểu trong vùng trời Việt Nam theo lộ trình. Đảng ủy, lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam quyết liệt chỉ đạo thực hiện. Nghị quyết của Đảng ủy Công ty Quản lý bay miền Nam chỉ đạo quyết tâm thực hiện tốt việc chuẩn bị, đảm bảo chuyển đổi thành công đúng thời gian đã định. Hàng loạt công việc được triển khai. Toàn bộ lực lượng kíp trưởng, kíp phó, KSVKL APP TSN đã được huấn luyện lý thuyết và thực hành về việc giảm phân cách tối thiểu từ 5NM xuống 3NM trong vùng trời tiếp cận Tân Sơn Nhất. Trung tâm APP/TWR TSN và Trung tâm ACC HCM đã hướng dẫn cho toàn bộ KSVKL các nội dung thay đổi bao gồm: Các tham số STCA; Tài liệu hướng dẫn khai thác cơ sở APP/TWR TSN và ACC HCM; Các văn bản hiệp đồng điều hành bay; các nội dung khuyến cáo an toàn… ; Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật chuẩn bị mọi mặt về công tác kỹ thuật, tổ cài đặt dữ liệu làm việc không kể ngày đêm; Phòng An toàn Chất lượng An Ninh đã hoàn tất công tác đánh giá sự thay đổi khi giảm phân cách tối thiểu, nhận diện mối nguy hiểm từ sự thay đổi, nghiên cứu nhận diện lại các mối nguy hiểm khi áp dụng giảm phân cách và đã có các nội dung khuyến cáo để đảm bảo an toàn.
Kịch bản chuyển đổi giảm phân cách tối thiểu đã được phê duyệt. Đúng 00g01 UTC (07g01 giờ địa phương) ngày 06 tháng 12 năm 2018, Công ty Quản lý bay miền Nam đã chính thức áp dụng giảm phân cách tối thiểu từ 5NM (dặm) xuống 03NM trong vùng trời tiếp cận Tân Sơn Nhất. Đến chỉ đạo thực hiện chuyển đổi có đồng chí Đoàn Hữu Gia- Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam; đồng chí Lê Quốc Khánh- Phó Tổng Giám đốc; đồng chí Bùi Thanh Hà- Phó Trưởng ban Không lưu; đồng chí Nguyễn Hữu Sơn– Phó Trưởng ban An toàn Chất lượng An ninh; đồng chí Phạm Văn Long – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Nam; đồng chí Nguyễn Quý Đôn – Phó Giám đốc phụ trách Không lưu; các đồng chí lãnh đạo các trung tâm đường dài, tiếp cận, bảo đảm kỹ thuật.
Lãnh đạo Tổng công ty tặng hoa chúc mừng chuyển đổi thành công
Việc áp dụng tiêu chuẩn phân cách mới phù hợp với năng lực của hệ thống sẽ góp phần làm giảm chậm chuyến, thời gian bay chờ của tàu bay, đặc biệt là trong vùng trời có mật độ hoạt động bay cao; tăng cường sử dụng các độ cao bay tối ưu cũng như giảm quãng đường bay, đem lại các lợi ích thiết thực về khai thác và kinh tế. Bên cạnh đó, việc áp dụng giá trị phân cách mới cũng đem lại các lợi ích khác về môi trường như làm giảm lượng khí phát thải của tàu bay.
Phó TGĐ Lê Quốc Khánh chỉ đạo công tác điều hành khi áp dụng phân cách 3NM tại APP/TWR TSN
Để có được thành quả đó nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam; sự lãnh đạo quyết đoán, tiếp cận công nghệ hiện đại, quyết tâm nâng cao năng lực điều hành bay của tập thể lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các ban tham mưu; sự nỗ lực, quyết liệt, cống hiến hết mình vì sự phát triển của ngành Quản lý bay của Lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Công ty Quản lý bay miền Nam.
Đây là hoạt động triển khai thực hiện Quyết định số 1721/QĐ-CHK ngày 04/08/2017 của Cục Hàng không Việt Nam, Công văn số 2003/QLB ngày 19/04/2018 của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam; Công văn 4201/CHK-QLHĐB ngày 15/10/2018 của Cục Hàng không Việt Nam.
- VATM-NAVBLUE: Rà soát thiết kế chi tiết phương thức bay cho khu vực sân bay Nội Bài và họp về nội dung tối ưu hoá phân khu đường dài
- Triển khai áp dụng phương thức bay RNP1 và RNP APCH tại Cảng HKQT Phú Bài
- Hội nghị hiệp đồng CNS/ATM năm 2018 giữa Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và Cục Quản lý bay Trung Quốc thuộc Tổng cục Hàng không Trung Quốc
- Quy hoạch phát triển mạng cảng hàng không, mạng đường bay, đội tàu bay Việt Nam đến năm 2020, định hướng phát triển đến năm 2030
- Vietnam Airlines mở đường bay mới Đà Nẵng – Băng Cốc