Nghị định thư sửa đổi và bổ sung Hiệp định Vận tải hàng không năm 1994 do Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và Bộ trưởng Ngoại giao Walter Steinmeier vừa ký ngày 25/11/2015 tại Berlin được kỳ vọng tạo động lực lớn thúc đẩy hoạt động khai thác thị trường hàng không hai nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chứng kiến lễ ký Nghị định thư sửa đổi giữa Bộ trưởng Đinh La Thăng và Bộ trưởng Walter Steinmeier
Khuyến khích hàng không hai nước tăng cường hợp tác
Theo ông Ngô Thanh Phương, Phó trưởng phòng Hợp tác quốc tế (Cục Hàng không VN), Hiệp định Vận tải hàng không Việt Nam – Đức đã được ký kết từ năm 1994. “Nghị định thư sửa đổi và bổ sung Hiệp định này được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và Bộ trưởng Ngoại giao Walter Steinmeier vừa ký tại Berlin nhằm mục đích làm rõ hơn, cập nhật các quy định, tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) về an toàn hàng không đồng thời tạo thuận lợi khai thác hàng không hai nước”, ông Phương nói.
Cụ thể, theo ông Phương, sau khi Nghị định thư sửa đổi được ký kết, các hãng hàng không được chỉ định của Việt Nam sẽ được đối xử không phân biệt về các loại phí, lệ phí sử dụng các dịch vụ và các trang thiết bị hàng không tại các sân bay của Đức so với các chuyến bay thường lệ. Việt Nam có quyền đánh thuế nhiên liệu đối với các hãng hàng không được chỉ định của phía Đức khi khai thác giữa các điểm trong lãnh thổ Việt Nam. Cùng đó, phía Việt Nam cũng có quyền yêu cầu trao đổi ý kiến, thông báo và đề nghị phía Đức thực hiện những biện pháp để duy trì và quản lý hiệu quả các tiêu chuẩn an toàn.
Các hãng hàng không được chỉ định của Việt Nam khai thác các điểm tại CHLB Đức sẽ phải tuân thủ luật và các quy định của CHLB Đức liên quan đến việc bay vào, ra, ở lại trong lãnh thổ. Tổ bay, hành khách, hàng hoá và bưu phẩm được chuyên chở trên tàu bay phải tuân thủ luật và quy định về hộ chiếu, giấy thông hành, hải quan, kiểm dịch của phía Đức. Ngoài ra, Việt Nam cũng có nghĩa vụ dành cho phía Đức, các hãng hàng không của Đức các quyền tương tự như quyền phát sinh đối với phía Việt Nam.
“Hiệp định được ký kết cũng hoàn toàn phù hợp với đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá và tăng cường hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các nước, trong đó có các nước châu Âu nói chung và CHLB Đức nói riêng”, ông Phương nói.
Cuối 2017 sẽ có đường bay thẳng đến Berlin
Liên quan đến hợp tác hàng không Việt Nam – Đức, được biết, trong thời gian qua, Vietnam Airlines đã và đang khai thác thành công các đường bay từ Việt Nam đến Frankfurt (Đức) và đang nghiên cứu kế hoạch mở đường bay thẳng đến Berlin trong thời gian tới.
Máy bay Boeing 787-9 Dreamliner của Vietnam Airlines tại Sân bay Frankfurt am Main – CHLB Đức
Trên cơ sở Hiệp định ký năm 1994, các hãng hàng không hai nước là Vietnam Airlines và Lufthansa đang khai thác các chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và Đức. Hiện Vietnam Airlines được phép khai thác 8 chuyến/tuần trên các đường bay đi/đến Đức (nhiều hơn 1 chuyến so với tần suất quy định trong Hiệp định do từ tháng 3/2014. Nhà chức trách Đức đã có văn bản cho phép Việt Nam được tạm thời tăng tải cung ứng theo mùa nhất định). Như vậy, các hãng hàng không hai bên khai thác các đường bay thẳng giữa hai nước với tổng tần xuất chuyến bay nâng lên 14 chuyến/tuần.
Thống kê trong năm 2014, dung lượng thị trường hàng không Việt Nam – Đức đạt trên 234 nghìn lượt khách, tăng trưởng 2% so với cùng kỳ 2013. Trên các đường bay thẳng Việt Nam – Đức, khách quốc tịch Đức chiếm tỷ trọng lớn nhất (44%), tiếp đó là khách Việt Nam (34%). Trong 6 tháng đầu năm 2015, Vietnam Airlines vận chuyển hơn 99 nghìn lượt khách với hiệu suất sử dụng ghế trung bình đạt 83%.
Nguồn caa.gov.vn
Các tin liên quan