Tại Hội nghị, CANSO đã nêu bật vai trò quan trọng của quản lý không lưu hàng không và các đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Việc đưa vào áp dụng các công nghệ mới, các phương thức bay mới tốt hơn, cũng như việc tăng cường hợp tác đã làm cho hệ thống quản lý bay hiệu quả hơn. Tuy nhiên, các quốc gia cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư và hiện đại hóa hệ thống quản lý bay để đáp ứng sự tăng trưởng dự kiến trong lưu thông hàng không và tăng khả năng kết nối.
Jeff Poole, Tổng Giám đốc CANSO cho biết ngành Hàng không đã góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt là trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nó mang lại những lợi ích kinh tế xã hội to lớn bằng cách cung cấp tiếp cận thị trường, thúc đẩy du lịch và góp phần tăng trưởng GDP. Quản lý bay hiệu quả có vai trò hết sức quan trọng trong việc phục vụ tăng trưởng giao thông hàng không và tăng khả năng kết nối. Về bản chất, việc quản lý bay hiệu quả hơn giúp ngành Hàng không giảm lượng phát thải.
Một số biện pháp mà ngành Hàng không đang thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả và giảm phát thải như sau.
Các công nghệ mới đang giúp quản lý bay hiệu quả hơn. Tự động hóa và giám sát bằng công nghệ vệ tinh cho phép giảm phân cách tàu bay. Từ đó tăng năng lực thông qua vùng trời và giảm sự chậm trễ.
Dẫn đường theo tính năng (PBN) sử dụng vệ tinh thay thế cho các đài cố định trên mặt đất, cho phép tàu bay di chuyển theo các đường hàng không hiệu quả hơn với độ chính xác cao hơn, do đó giảm lượng khí thải CO2.
Tàu bay sử dụng dẫn đường theo tính năng bằng vệ tinh
Quản lý luồng không lưu cho phép điều chỉnh hoạt động bay để đảm bảo việc khai thác hiệu quả nhất năng lực hiện có. Kết quả thử nghiệm năm ngoái của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho thấy giảm thời gian bay chờ trên không tại sân bay Changi (Singapore) là 6 phút và hiện nay đang đánh giá mức tiết kiệm trong sử dụng vùng trời.
Các đường bay linh hoạt cho phép tàu bay hoạch định với các quỹ đạo ổn định hơn là các tuyến cố định truyền thống, tiết kiệm thời gian bay và giảm phát thải. Tiết kiệm CO2 hàng năm ghi nhận 15.000 tấn ở Áo và Slovenia, 16.000 tấn ở Hungary và 30.000 tấn ở Đức.
Kiểm soát viên không lưu cấp “chỉ đạo chiến thuật” trong điều hành các chuyến bay thực tế để đảm bảo đường bay có hiệu quả nhất. Năm 2016, đã tiết kiệm được 938.000 tấn CO2 trên sáu quốc gia ở Trung Âu (FABEC).
Trong suốt chuyến bay, trọng lượng của tàu bay giảm khi nó sử dụng nhiên liệu và mực bay hiệu quả nhất trở nên cao hơn. Dự án Engage của NAV Canada cho phép các tàu bay khi bay qua Bắc Đại Tây Dương theo đường bay hiệu quả nhất. Kết quả giảm phát thải từ 1 đến 2%, tương đương khoảng 500 -1.000 kg CO2 mỗi chuyến bay.
Việc đưa vào áp dụng các cải tiến của NATS (Vương quốc Anh), như phương pháp tiếp cận giảm độ cao liên tục, quản lý tàu bay đến, phân cách tàu bay theo thời gian và sử dụng vùng trời linh hoạt, đã tiết kiệm được 56.000 tấn CO2 trong năm 2016.
Để tiếp tục sử dụng vùng trời có hiệu quả, ngành Quản lý bay cần sự hỗ trợ của các quốc gia để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của mình. Điều này phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc về xây dựng cơ sở hạ tầng. Các quốc gia có thể hiện đại hóa quản lý không lưu bằng cách triển khai Nâng cấp khối hệ thống theo ICAO. Theo đó các quốc gia định hướng đầu tư công nghệ hàng không trong vòng 20 năm và xác định con đường hiện đại hóa của riêng mình. Điều đó cũng giúp các quốc gia xác định thứ tự ưu tiên và các giải pháp tiết kiệm chi phí. Đối với các quốc gia kém phát triển có thể thực hiện bước tiến thẳng vào công nghệ mới nhất, sử dụng các hệ thống kỹ thuật số và vệ tinh hơn là đầu tư vào các hệ thống trên mặt đất và cơ sở hạ tầng đắt tiền. Việc hiện đại hóa hơn nữa các hệ thống quản lý không lưu sẽ mang đến hiệu quả cao hơn, nâng cao tính an toàn, khả năng dự báo năng lực và quản lý môi trường.
Các quốc gia cũng có thể đóng vai trò của mình bằng cách giải phóng vùng trời dành cho quân sự khi không sử dụng. Ở một số khu vực, có đến 50% vùng trời được dành riêng cho mục đích quân sự (và thường không được sử dụng trong phần lớn thời gian). Tàu bay dân dụng phải bay tránh những khu vực này, dẫn đến mất thêm thời gian và tiêu hao nhiên liệu. Bằng cách giảm kích thước của các khu vực này hoặc linh hoạt sử dụng, các chuyến bay sẽ thẳng hơn và điều này có thể mang lại việc tiết kiệm đáng kể nhiên liệu và CO2.
Ngành quản lý bay đã góp phần quan trọng trong việc giảm phát thải hàng không. Hàng loạt các biện pháp nâng cao hiệu quả khai thác đã được đưa vào áp dụng. Việc đưa vào áp dụng công nghệ và phương thức bay mới sẽ được tiếp tục thực hiện trong tương lai, đáp ứng các yêu cầu tăng trưởng của hoạt động bay.
Nguồn vatm.vn