Tác phẩm đạt giải ba cuộc thi " viết về ATTECH "
“Dưới chân ta sẽ không phải là mảnh đất chết nếu ta có ý chí, niềm tin và khát khao sáng tạo” – Simonperet
Từ cuối năm 1987 đến cuối năm 1990 là thời kỳ khó khăn nhất của Xí nghiệp Điện tử Hàng không. Lúc đó đ/c Trần Mạnh thôi giữ chức Tổng cục Trưởng Tổng cục Hàng không, các đồng chí, các đ/c cán bộ chủ chốt của xí nghiệp điện tử bị kỷ luật sau thanh tra do dám “vượt rào” trong một số hoạt động của xí nghiệp trái với quy định của Quân đội.
Một loạt cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Xí nghiệp điện tử Hàng không xin chuyển công tác đi nơi khác. Đến năm 1990 Xí nghiệp điện tử Hàng không còn lại khoảng 40 người trong đó có bộ phận hành chính, kho, hai phân xưởng điện tử và cơ – điện – lạnh và bộ phận SITA Hà Nội. Phân xưởng điện tử lúc đầu đ/c Vũ Việt Phương làm quản đốc sau là đ/c Nguyễn Văn Thăng. Phân xưởng cơ – điện – lạnh do đ/c Trịnh Văn Hải làm quản đốc, mỗi phân xưởng có trên chục người. Trong ban lãnh đạo chỉ còn mình tôi được quyết định làm Quyền Giám đốc, anh Phan Văn Xí đã lên Vụ Hàng không. Cuối năm 1987 Tổng cục Trưởng Tổng cục Hàng không đã có Quyết định 862/TCHK kiện toàn lại Xí nghiệp Điện tử hàng không, nhiệm vụ có một chút thu hẹp lại nhưng cơ bản những nhiệm vụ chính không mấy thay đổi. Tuy nhiên sau cơn sóng gió ban đầu của Xí nghiệp nhiều người lo lắng phân tâm không phấn khởi công tác có những tin vỉa hè nói Xí nghiệp điện tử sẽ giải tán nhiều người càng lo lắng hơn. Có đ/c tâm sự với tôi muốn chuyển công tác đi nơi khác, với kinh nghiệm công tác và nhận thức của mình tôi chân thành khuyên họ ở lại, đây chỉ là khó khăn nhất thời, ngành Hàng không còn thì còn ngành Quản lý bay, còn ngành Quản lý bay thì nhất định phải có một đơn vị đảm bảo kỹ thuật dù nó là cái tên gì thì gốc của nó vẫn là Xí nghiệp điện tử Hàng không chắc chắn là như vậy, chúng ta vẫn có tương lai. Và những anh em điện tử ở lại động viên nhau đoàn kết hăng hái thực hiện tốt những công việc được giao mặc dù áp lực tư tưởng, khó khăn cơ chế không hề nhỏ.
Ngoài những công việc thường xuyên bảo trì bảo dưỡng các thiết bị truyền tin phục vụ công tác điều hành bay, hằng ngày nhiều bộ phận cá nhân còn chủ động tìm thêm công trình, dự án thực hiện. Nổi bật là phân xưởng cơ – điện – lạnh do đ/c Trịnh Văn Hải làm quản đốc vẫn năng nổ chủ động tìm nhiều việc để làm. Đáng chú ý nhất là công trình khôi phục đèn chiếu sáng sân bay Đà Nẵng hỏng từ sau ngày Giải phóng.
Nhóm công tác do đ/c Hải chủ trì đã kết hợp với sân bay Đà Nẵng tận dụng số vật tư tồn kho tại sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và một số vật liệu dự án VIE-78-002 do TCAO tài trợ. Qua mấy tháng làm việc trong điều kiện vật tư chắp vá và làm việc dưới nắng hè chói chang của sân bay Đà Nẵng, điều kiện đi lại ăn ở rất khó khăn, các đ/c đã khôi phục được hệ thống đèn biển trước sự vui mừng của đ/c lãnh đạo sân bay Đà Nẵng và các đ/c phi công. Ngoài ra phân xưởng còn cải tạo lắp đặt nâng cấp một số hệ thống anten cho đài phân xưởng Ninh Bình, Mộc Châu, Gia Lâm, Nội Bài, bảo trì sửa chữa một số thiết bị nguồn điện phục vụ cho công tác đảm bảo hoạt động bay.
Phân xưởng điện tử cũng đảm bảo tốt những công tác đảm bảo thông tin đồng thời còn chủ động kết hợp với đơn vị trong và ngoài ngành thực hiện những công trình kỹ thuật như ở A76, sân bay Nội Bài và một số nơi khác. Và như vậy suốt những năm từ cuối 1987 đến hết năm 1990 Xí nghiệp điện tử vẫn hoạt động bình thường thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhờ có niềm tin chúng tôi đã trụ vững. Rồi lòng tin của chúng tôi cũng được bù đắp, cái gì đến cũng phải đến. Cuối năm 1990 ngành Hàng không chuyển đổi không còn do Quân đội quản lý mà trực thuộc Chính phủ, sau trực thuộc Bộ Giao thông Bưu điện. Ngày 15/10/1990 Bộ trưởng Bộ Giao thông Bưu điện ký Quyết định 1888-QĐTCCB/LĐ thành lập Công ty Quản lý bay trực thuộc Tổng công ty Hàng không (Lúc đó toàn ngành Hàng không đều thuộc Tổng công ty Hàng không). Ngày 29/01/1991 Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không ra Quyết định 164/HKVN kiện toàn lại Trung tâm thông tin Hàng không trên cơ sở Xí nghiệp điện tử và đội khai thác thông tin C29. Theo Quyết định 164/HKVN Trung tâm thông tin Hàng không có những nhiệm vụ chủ yếu sau:
– Đảm bảo vững chắc thông tin liên lạc của Công ty Quản lý bay và Tổng công ty Hàng không.
– Từng bước nghiên cứu ứng dụng điện tử, điện của ngành hàng không. Từng bước sản xuất các dụng cụ, phụ tùng điện, điện tử của ngành Hàng không, được hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật quản lý bay khi công tác Quản lý bay cho phép.
– Đảm bảo dịch vụ SITA Hà Nội.
– Đảm bảo công tác đo lường kiểm chuẩn các thiết bị mặt đất của Ngành.
Từ đây là thời kỳ tương đối thuận lợi cho sự phát triển của Trung tâm thông tin – Trung tâm dịch vụ kỹ thuật Quản lý bay – Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay ngày nay. Từ đây đơn vị được đầu tư công nghệ mới, nguồn nhân lực tài chính dồi dào và cơ chế hoạt động ngày một thông thoáng chủ động.
Từ đây hàng loạt các công trình mới được đầu tư, các thiết bị công cụ được đổi mới. Hàng loạt sản phẩm do Trung tâm sản xuất như hệ thống chuyển văn tự động AMHS, dàn phản xạ anten đài DVOR/DME, hệ thống đồng hồ thời gian chuẩn, các bàn kiểm soát không lưu, lắp đặt hệ thống đèn hiệu cho một số sân bay, lắp đặt các hệ thống dẫn đường DVOR/DME, ILS, các trạm vệ tinh cho các sân bay trong nước và Quốc tế, sản xuất hệ thống đèn hiệu… Về quản lý, từ Trung tâm dịch vụ kỹ thuật Quản lý bay tới nay đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2000.
Trong gần 30 năm qua, bắt đầu là Xí nghiệp điện tử Hàng không nay là Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay. Tuy qua nhiều các tên khác nhau nhưng nhiệm vụ cơ bản không thay đổi nhiều**.
Năm ngoái, trong dịp gặp mặt các cán bộ nhân viên Quản lý bay khu vực phía Bắc đã nghỉ hưu nhân dịp tết Tân Mùi, đ/c Chủ tịch Hội đồng thành viên có thông báo Tổng công ty đang có kế hoạch tái cơ cấu toàn bộ Ngành quản lý bay về chung một đầu mối như Vietnam Airlines. Nếu điều đó trở thành sự thật thì ngành Kỹ thuật Quản lý bay sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn và ATTECH chắc chắn sẽ là thành tố nòng cốt và những điều mong muốn của lớp người như chúng tôi từ những năm 1980, 1990 sẽ thành sự thật.
Đôi điều suy nghĩ:
– Đầu những năm 1990 tôi có đọc một vài cuốn sách nói về sự thần kỳ của hai Quốc gia Nhật Bản và Singgapore, Nhật Bản sau thế chiến thứ hai chỉ còn lại như một đống tro tàn, người Nhật Bản họ dạy con cháu họ: Nước Nhật trong lòng đất không có tài nguyên gì chỉ có núi lửa và động đất, nhưng người Nhật phải phát triển từ cái đầu của mình. Đúng như vậy, chỉ vài chục năm sau với ý chí kiên cường và sáng tạo họ đã trở thành một nước có công nghệ đứng đầu, kinh tế đứng thứ hai thế giới.
– Nước Singgapore là đảo quốc bé tẹo vài triệu dân chủ yếu là người Hoa, vài chục năm dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Lý Quang Diệu họ đã trở thành một quốc gia giàu có, thu nhập bình quân đầu người hàng đầu thế giới, một nước văn minh hiện đại, là trung tâm tài chính, khoa học kỹ thuật, giáo dục của thế giới, sánh vai với các cường quốc tiên tiến.
– Gần đây tôi có đọc một quốc gia thần kỳ khác ở Trung đông là ISRAEL, thế chiến thứ hai Hitle đã tàn sát gần ½ người do Thái. Sau chiến tranh, người do Thái ở các nơi trở về lập quốc với hai bàn tay trắng, dưới chân họ là một sa mạc cát trắng không có nước và tài nguyên xung quang là thế giới Arập thù địch. Thế mà 65 năm tạo dựng, họ đã trở thành một quốc gia hùng mạnh về quân sự, kinh tế, khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao đứng đầu thế giới. Cái gì đã làm nên sự thần kỳ đó? Người ta tổng kết rằng đó là tinh thần vượt trội về ý chí dũng cảm của một chiến binh luôn sáng tạo và sáng – tạo – có – trách – nhiệm.
– Nhìn lại nước ta sau 30 năm đổi mới đã có những thành tựu hết sức quan trọng làm thay đổi hẳn bộ mặt đất nước. Tuy vậy mục tiêu đến năm 2020 mà Đảng ta đặt ra là cơ bản trở thành một nước công nghiệp thì chưa đạt được mà nó lại là mục tiêu chủ yếu.
– Từ khi thành lập Xí nghiệp điện tử đến nay cũng đã 30 năm, qua nhiều tên gọi khác nhau qua các thời kỳ, các thế hệ cán bộ và công nhân viên của Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay đã làm nên bao thành quả và dấn ấn, nhiều sản phẩm của Công ty đã mang đặc trưng thương hiệu của mình, thể hiện sự phát triển vững chắc của một đơn vị kỹ thuật. Tuy vậy nhìn rộng ra chúng ta thấy hiệu quả còn khiêm tốn.
Năm ngoái khi giao lưu với các bạn trẻ của Công ty tôi được phát quyển “ sổ tay nhân viên” in rất đẹp, nội dung rất khúc triết, bài bản hiện đại. Đặc biệt ngay ngoài bìa dưới cái tên ATTECH là dòng chữ “Sáng tạo dựng tương lai, thích nghi xây hiện tại”. Tôi rất thú vị với cái giá trị này, cái triết lý này. Tuy có người cũng suy nghĩ có nên dùng chữ “Thích nghi” không hay dùng chữ khác chẳng hạn “Thích ứng” thì nó sáng sủa linh hoạt hơn, cái đó thì tùy nhưng cái lý ở chỗ muốn phát triển đầu tiên phải tồn tại mà không phát triển thì nó là vô bổ. Còn muốn phát triển phải sáng tạo, sáng tạo không ngừng, cái mà người ISRAEL , Nhật Bản, Singgapore đã làm và họ đã thành những người thần kỳ.Chúng ta không phải họ, nhưng nếu chúng ta có ý chí, lòng tin, khát vọng sáng tạo, tầm nhìn đúng thì mục tiêu trở thành thương hiệu mạnh trong ASEAN nhất định thành công. Chúng tôi, lớp người đi trước vẫn tin tưởng như vậy vì chúng tôi có niềm tin với lớp trẻ được đào tạo bài bản hiện nay như mấy chục năm trước chúng tôi tin vào tương lai của Xí nghiệp điện tử không phải là sự tồn tại của cái tên đó mà là giá trị, tinh thần, nội dung của sự phát triển.
Tháng 6/2015
Tác giả: Nguyễn Lương Bang
Nguyên Quyền Giám đốc Xí nghiệp điện tử Hàng không
Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Hàng không
* Lúc đó ngành Hàng không ở trong quân đội
** Năm 1997 khi lập dự án chuyển đổi TT Quản lý bay dân dụng Việt Nam trở thành doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích tôi đề nghị thêm hai nhiệm vụ mới: Đào tạo huấn luyện và xuất nhập khẩu.