Ngày 23 tháng 02, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu đến 2030, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đứng trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng vận chuyển; Phát triển đội tàu bay theo định hướng áp dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống cảng hàng không với công suất thiết kế đáp ứng nhu cầu vận chuyển và năng lực chuyên chở; Hình thành và phát triển 3 trung tâm vận chuyển hành khách, hàng hóa ngang tầm khu vực ASEAN.
Về mạng cảng hàng không, đến năm 2020, khai thác hệ thống 23 cảng hàng không, gồm 13 cảng hàng không quốc nội và 10 cảng hàng không quốc tế, trong đó 4 cảng hàng không: Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh là cửa ngõ quốc tế; tập trung nghiên cứu, triển khai một số dự án trọng điểm để đáp ứng nhu cầu vận tải.
Phát triển, mở rộng đồng bộ các công trình cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không theo quy hoạch, trong đó ưu tiên phát triển 03 trung tâm Logistic chuyên dụng hàng không phục vụ các cảng hàng không Quốc tế: Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất.
Khuyến khích phát triển hoạt động hàng không chung kết hợp với hoạt động vận chuyển hàng không thường lệ tại các cảng hàng không, đặc biệt là các cảng hàng không có tiềm năng phát triển du lịch như Sa Pa, Vân Đồn, Đồng Hới, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa, Liên Khương, Phan Thiết, Côn Đảo.
Đến năm 2030, khai thác hệ thống 28 cảng hàng không gồm 15 cảng hàng không quốc nội và 13 cảng hàng không quốc tế, trong đó 05 cảng hàng không: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành là cửa ngõ quốc tế.
Về mạng đường bay, đến năm 2020 xây dựng xây dựng mạng đường bay quốc tế, quốc nội chủ yếu theo mô hình “trục – nan” thông qua các cảng hàng không cửa ngõ quốc tế, kết hợp mô hình “điểm- điểm” theo nhu cầu của thị trường; tăng tần suất, điểm khai thác, tăng cường khai thác nối chuyến, kết hợp khai thác giữa các điểm ở Việt Nam với các điểm trong các mạng đường bay khu vực. Đối với mạng nội địa, mở các đường bay liên vùng, đặc biệt là các đường bay liên vùng không trung chuyển qua các cảng hàng không tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; nghiên cứu các đường bay ra vùng biển đảo của Việt Nam.
Đến năm 2030, phát triển mạng đường bay theo mô hình vận tải đa phương thức, đảm bảo việc phát triển cân đối, thiết lập sự liên kết giữa các loại hình vận tải khác nhau; tăng cường và mở rộng mạng đường bay quốc tế, đặc biệt là các tuyến bay xuyên lục địa đến Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Tân Sơn Nhất, Long Thành; mở các đường bay quốc tế đến các điểm mới tại Châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ; khuyến khích việc mở các đường bay quốc tế đến các trung tâm du lịch quốc gia; tiếp tục tăng cường, mở rộng mạng đường bay nội địa; phát triển rộng rãi các mô hình hoạt động hàng không chung.
Về đội tàu bay Việt Nam, tập trung phát triển và khai thác đội tàu bay mới, trang bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) hoặc cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA) cấp chứng chỉ loại tàu bay (Type Certificate) phù hợp với tiêu chuẩn và năng lực của kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay. Hình thành và phát triển đội tàu bay chuyên vận chuyển hàng hóa phục vụ hàng không chung. Số lượng tàu bay khai thác đến năm 2020 đạt trên 220 chiếc, đến năm 2030 đạt trên 400 chiếc./.
Nguồn caa.gov.vn
- CHKQT Tân Sơn Nhất đón hành khách thứ 25 triệu
- Hội thảo về Chương trình hợp tác quản lý không lưu tại Việt Nam
- Điều chỉnh Quy hoạch một số hạng mục công trình tại Cảng hàng không quốc tế Chu Lai giai đoạn đến năm 2030
- Jetstar Pacific và Vietinbank ký Hợp đồng tài trợ vốn mua máy bay
- Cố gắng đến năm 2018 đưa sân bay Lai Châu vào khai thác