Danh sách top 30 sân bay tốt nhất châu Á có hai đại diện của Việt Nam là Nội Bài và Đà Nẵng.
Chất lượng dịch vụ tại CHK quốc tế Nội Bài đã được cải thiện đáng kể sau khi nhà ga T2 được đưa vào khai thác (Trong ảnh: Nhân viên mặt đất hướng dẫn khách nước ngoài làm thủ tục check-in tại nhà ga T2) – Ảnh: Phạm Tuấn |
Trang web chuyên xếp hạng các sân bay trên thế giới The Guide to Sleeping in Airports vừa công bố bảng xếp hạng các sân bay tốt nhất châu Á. Đáng lưu ý, trong danh sách top 30 sân bay tốt nhất châu Á có hai đại diện của Việt Nam là Nội Bài và Đà Nẵng. Vì sao Sân bay quốc tế Nội Bài lại có cú "lội ngược dòng" ngoạn mục?
Nhiều điểm cộng cho sân bay quốc tế Nội Bài
Theo công bố của trang The Guide to Sleeping in Airports, một trang web khá nổi tiếng với các bảng xếp hạng chất lượng máy bay, sân bay, chất lượng phục vụ, đồ ăn sân bay…, Sân bay quốc tế Đà Nẵng đứng thứ 23, Sân bay quốc tế Nội Bài đứng thứ 28 trong danh sách 30 sân bay tốt nhất châu Á.
Nếu như sự xuất hiện của Sân bay quốc tế Đà Nẵng trong danh sách này không mấy gây bất ngờ thì Nội Bài lại chính là một ẩn số thú vị. Thực tế, năm ngoái, Sân bay quốc tế Đà Nẵng đã từng lọt top 3 danh sách sân bay tốt nhất thế giới theo khảo sát của Hãng hàng không Dragon Air (hãng hàng không lớn thứ hai của Hồng Kông) tại 96 sân bay mà hãng này đang khai thác. Trong khi đó, Nội Bài lại bị “điểm danh” trong top sân bay tệ nhất châu Á năm 2014 cũng theo xếp hạng của trang The Guide to Sleeping in Airports.
Trong danh sách Top 30 sân bay tốt nhất châu Á theo khảo sát của trang The guide to sleeping in Airports, Sân bay Changi của Singapore đứng đầu; Kế đó lần lượt là các Sân bay Incheon của Hàn Quốc, Haneda của Nhật Bản; hai sân bay Taoyuan của Đài Loan và Sân bay Hồng Kông đứng thứ 4 và thứ 5. |
Sự bứt phá của Nội Bài được Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho là “không ngoài dự đoán”. Với Nội Bài, nổi bật nhất là việc đưa vào khai thác nhà ga hành khách T2 – nhà ga lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam, đã cải thiện cơ bản về hạ tầng với CHK quốc tế Nội Bài. “Nhà ga T1 trước đó đã quá xập xệ, hết khấu hao, quá tải trầm trọng, cơ sở hạ tầng cho dịch vụ quá xuống cấp thì rất khó có thể làm hài lòng khách hàng”, ông Thanh phân tích.
Đáng nói hơn, theo ông Thanh, cùng với sự tốt lên về hạ tầng nhà ga, đường lăn, sân đỗ thì sự quyết liệt của Bộ GTVT trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ, từ những cái nhỏ nhất như giá tô mỳ, bát phở nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý hành khách. Hoạt động taxi đi vào nền nếp, tình trạng trộm cắp hành lý ký gửi cơ bản được dẹp bỏ cũng là nguyên nhân Nội Bài “ghi điểm” với khách hàng.
Trao đổi với Báo Giao thông, Giám đốc CHK quốc tế Nội Bài Vũ Thế Phiệt cho biết, cảng đang nỗ lực tối đa để cung cấp thêm nhiều tiện ích cho khách hàng, đảm bảo sự thoải mái, tiện nghi, thân thiện của một nhà ga hành khách quốc tế. Được biết, CHK quốc tế Nội Bài vừa đưa vào khai thác hai xe buýt (shuttle bus) hiện đại, thân thiện với người khuyết tật, vận chuyển miễn phí cho hành khách di chuyển giữa hai nhà ga T1 và T2. Trước đó, Nội Bài cũng cung cấp nhiều tiện ích miễn phí như wifi, nước uống, trạm xạc điện thoại, khu vui chơi cho trẻ em…
Liên quan đến chất lượng, giá cả dịch vụ phi hàng không, phía CHK quốc tế Nội Bài cũng đã yêu cầu hơn 60 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cam kết đảm bảo chất lượng, giá cả các mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng nhu yếu.
“Những nỗ lực của chúng tôi trong việc cải thiện hạ tầng, nâng cấp chất lượng dịch vụ đã được ghi nhận”, Giám đốc CHK quốc tế Nội Bài Vũ Thế Phiệt chia sẻ.
Trong khi đó, lãnh đạo CHK quốc tế Đà Nẵng cho biết, đơn vị luôn xác định rõ phục vụ hành khách với tinh thần cầu thị. Được biết, CHK quốc tế Đà Nẵng đã bố trí rất nhiều thùng thư góp ý tại các khu vực ga đến, ga đi quốc tế, các khu vực check-in, kiểm soát an ninh và khu vực phòng đợi. Thông qua các ý kiến đóng góp của hành khách, cảng đã kịp thời khắc phục chấn chỉnh những mặt chưa được, phát huy những ưu điểm.
CHK quốc tế Đà Nẵng luôn quan tâm đến các ý kiến đóng góp của hành khách để kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục – Ảnh: Ngô Vinh |
Tới đây Tân Sơn Nhất chắc chắn sẽ được cải thiện
Như trên đã nói, một điều đáng buồn là Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn tiếp tục góp mặt trong danh sách Top 10 các sân bay tệ nhất châu Á.
Lý giải nguyên nhân tại sao Tân Sơn Nhất chưa được lọt vào top trên dù cho sân bay này không đứng ngoài các chỉ đạo của Bộ và việc thực hiện chỉ đạo cũng hết sức quyết liệt, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho rằng, hạ tầng hàng không của Tân Sơn Nhất hiện chưa đáp ứng được yêu cầu là nguyên nhân khách quan dẫn đến điều này.
“Thực tế, việc tắc nghẽn sân bay, thời gian chờ trên đường lăn, sân đỗ còn dài, tắc nghẽn về giao thông tiếp cận… là những yếu tố cơ bản nhất khiến Tân Sơn Nhất chưa được đánh giá cao”, ông Thanh nói và cho biết thêm, ngoài những đánh giá chưa tốt về chất lượng dịch vụ hàng không, theo khảo sát của trang The Guide to Sleeping in Airports, những bất cập trong khâu hải quan cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến hành khách phàn nàn.
“Tất nhiên hoạt động của bộ phận hải quan là do Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm nhưng tại sân bay thì CHK phải là cơ quan chủ trì phối hợp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phải tiếp tục ngồi lại để bàn bạc cụ thể hơn về vấn đề này. Khi khách quốc tế đến, khâu tiếp xúc đầu tiên là hải quan. Ấn tượng ban đầu rất quan trọng với khách quốc tế”, ông Thanh nói và cho biết, dù chưa thể khắc phục hoàn toàn, nhưng trong thời gian tới Tân Sơn Nhất chắc chắn sẽ có cải thiện.
“Hai Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT đã đích thân kiểm tra tại Tân Sơn Nhất, thống nhất bàn giao đất để mở rộng sân đỗ, đường lăn, phá thế kẹt của sân bay. Giao thông tiếp cận cũng sẽ được cải thiện khi Bộ GTVT đang phối hợp với thành phố xin đất mở rộng bãi để xe taxi, triển khai dự án xây nhà để xe ô tô giải quyết tình trạng tắc nghẽn xe trong giờ cao điểm. Hành khách đến sân bay chắc chắn sẽ bớt bức xúc vì phải chờ đợi quá lâu”, ông Thanh nói.
(Nguồn: baogiaothong.vn)
- Công bố quy hoạch điều chỉnh chi tiết CHKQT Tân Sơn Nhất và CHKQT Đà Nẵng
- VATM: Quy chế Khoa học và Công nghệ chính thức được áp dụng
- Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tổ chức Hội nghị về Công tác Quản lý luồng không lưu
- Jetstar Pacific và Vietinbank ký Hợp đồng tài trợ vốn mua máy bay
- Kiểm soát viên không lưu: Nghề nghiệp và tương lai