Bộ Tài chính mới thống nhất điều chỉnh tăng vốn điều lệ của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đến 31/12/2018 là hơn 3.100 tỷ đồng để đảm bảo mức vốn điều lệ cần thiết cho việc thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển trong tình hình mới, tránh nguy cơ tụt hậu về công nghệ, tăng cường an toàn đối với hoạt động bay… Xung quanh vấn đề này phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Việt Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
PV: Là một trong 4 tổng công ty của ngành Giao thông vận tải (GTVT) không cổ phần hóa hoạt động trong lĩnh vực công ích, xin ông cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị tập trung vào những lĩnh vực chủ yếu gì?
– Ông Đinh Việt Thắng: Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động theo hình thức công ty mẹ – công ty con theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Mục tiêu, nhiệm vụ chính của Tổng công ty là điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm được giao. Tổng công ty tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu là: Cung ứng các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cho tất cả tàu bay dân dụng và vận tải quân sự hoạt động tại các cảng hàng không, sân bay trên toàn quốc, trên vùng trời thuộc chủ quyền Việt Nam và các vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý và các vùng không phận được ủy quyền hợp pháp khác…
PV: Ông có thể cho biết rõ thêm về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015 và những trọng tâm chính của năm 2016?
– Ông Đinh Việt Thắng: Năm 2015, Tổng công ty đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch năm với sản lượng điều hành bay là 640.848 lần chuyến, đạt 110,95 % kế hoạch, tăng 17,6 % so với năm 2014. Tổng doanh thu: 2.235 tỷ đồng, đạt 114,79% kế hoạch, tăng 26,7% so với năm 2014. Nộp ngân sách Nhà nước: 2.222 tỷ đồng, đạt 129,58% kế hoạch, tăng 33,2% so với năm 2014.
Năm 2016, Tổng công ty sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý an toàn, áp dụng các phương thức bay, phương thức điều hành bay mới và tiên tiến nhất để giảm tải cho kiểm soát viên không lưu, đảm bảo điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả. Hoàn thiện mô hình tổ chức theo Đề án tái cơ cấu và Đề án Nâng cao năng lực, an toàn và chất lượng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay của Tổng công ty đã được Bộ Trưởng Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Kế hoạch năm 2016, Tổng công ty phấn đấu đảm bảo điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả khoảng 700.000 lần chuyến, tăng khoảng 8% so với thực hiện năm 2015. Tổng doanh thu gần 3.000 tỷ đồng, tăng khoảng 24% so với thực hiện năm 2015. Nộp ngân sách trên 2.000 tỷ đồng.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Đinh Việt Thắng
PV: Trong đề xuất tăng vốn điều lệ, Tổng công ty đã chỉ ra đây là yêu cầu bắt buộc vì Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới đòi hỏi hoạt động quản lý bay cần có những tiêu chuẩn cao hơn. Xin Ông có thể cho biết nếu đề xuất được các bộ, ngành liên quan phê duyệt thì Tổng công ty sẽ có những giải pháp gì để đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới?
– Ông Đinh Việt Thắng: Khi Tổng công ty được phê duyệt tăng vốn điều lệ lên 3.100 tỷ đồng, từ năm 2016 đến năm 2018, nguồn vốn đầu tư phát triển Tổng công ty sẽ được bổ sung thêm gần 600 tỷ đồng, từ đó giảm áp lực đáng kể cho Tổng công ty trong việc vay vốn thương mại phục vụ công tác đầu tư như hiện nay.
Từ nguồn vốn được bổ sung này, Tổng công ty sẽ ưu tiên đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị, trước hết là thay thế các hệ thống trang thiết bị hiện đã đến thời điểm hết vòng đời thiết bị để đảm bảo sự đồng bộ về công nghệ với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, các quốc gia lân cận đã và đang đầu tư chuyển đổi theo chương trình CNS/ATM mới nên Việt Nam phải khẩn trương thực hiện để đảm bảo năng lực kết nối các hệ thống trang thiết bị đảm bảo đồng bộ và hài hòa về quản lý không lưu với các quốc gia lân cận, tránh nguy cơ tụt hậu về công nghệ, tăng cường an toàn đối với hoạt động bay. Sự đồng bộ về công nghệ hướng tới mục tiêu quản lý không lưu đồng nhất, tiến tới đồng nhất bầu trời khu vực ASEAN.
Bên cạnh đó, Tổng công ty sẽ tập trung tăng cường thực hiện các đề án trong chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Tổng công ty, trong đó tập trung mở rộng hợp tác, liên kết với các cơ sở có uy tín, có chất lượng trên thế giới trong việc đào tạo kiểm soát viên không lưu, kỹ thuật viên và các chuyên gia đầu ngành.
Hiện nay, tốc độ tăng trưởng của Ngành hàng không là rất cao, tính chất và hoạt động hàng không ngày càng phức tạp. Đây đang là một thách thức rất lớn đối với Tổng công ty. Để giải quyết bài toán này, Tổng công ty đã xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Quản lý luông không lưu và sẽ hợp tác với đối tác nước ngoài trong việc hoạch định chiến lược cho Tổng công ty trên quan điểm là phải nhìn xa, trông rộng để đi trước, đón đầu. Có như thế mới đáp ứng được nhu cầu phát triển của cộng đồng hàng không quốc tế và khu vực, hướng tới việc thực hiện quản lý không lưu chung và phù hợp với lộ trình thực hiện của ICAO, góp phần tăng cường sự an toàn của hệ thống quản lý không lưu và đạt được các mục tiêu thương mại và đảm bảo an ninh vùng trời chủ quyền quốc gia của Tổ quốc.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Vatm.vn
- Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đón hành khách thứ 115 triệu thông qua các cảng hàng không
- Tăng cường hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ lĩnh vực hàng không
- Tích cực đầu tư trang thiết bị để giành lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh
- Khai mạc phiên trù bị Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam lần thứ VII
- Tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi về dịch vụ Không lưu và dịch vụ Thông báo tin tức hàng không