Tuyên truyền nội dung Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, pháp luật Việt Nam về chống tra tấn.
Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bằng Nghị quyết số 39/46 ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987) là một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng về quyền con người của Liên hợp quốc thể hiện ý chí của nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới, mong muốn sớm loại bỏ hành vi đối xử hoặc hình phạt tàn bạo, vô nhân đạo ra khỏi đời sống xã hội.
Ngày 07/11/2013, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (sau đây gọi tắt là Công ước chống tra tấn). Ngày 28/11/2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về chống tra tấn.
Việc tham gia Công ước chống tra tấn là bước đi cụ thể trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nâng cao đáng kể uy tín quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền và tạo ra những động lực, cơ sở mới để thúc đẩy hoạt động phòng, chống tra tấn ở nước ta hiện nay.
Sự kiện Việt Nam tham gia Công ước chống tra tấn và nội dung cơ bản của Công ước đã được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, do Công ước mới được tham gia và phê chuẩn, nên việc tuyên truyền, thông tin, phổ biến nội dung cơ bản và các quy định quan trọng của Công ước chưa được tiến hành sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân.
Trước khi tham gia Công ước chống tra tấn, để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, pháp luật Việt Nam đã quy định tương đối cơ bản và đầy đủ cơ chế bảo đảm quyền không bị tra tấn, đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc bị hạ nhục. Nội dung quy định của pháp luật về phòng, chống tra tấn được quan tâm tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chống tra tấn, nhục hình, ép cung đã được tiến hành tương đối bài bản trong lực lượng công an nhân dân, quân đội nhân dân, những người làm công tác điều tra, thi hành án hình sự, hỗ trợ tư pháp, quản chế phạm nhân. Hằng năm, các ngành công an, quân đội, tòa án, kiểm sát đều tổ chức nhiều hội nghị tập huấn về kiến thức pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ, quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp liên quan đến chống tra tấn trong toàn ngành, lực lượng.
Nhận thức, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật về chống tra tấn của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân còn hạn chế, đặc biệt là ở những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, nơi người dân khó khăn trong tiếp cận thông tin pháp luật. Hiện nay, vẫn xảy ra vi phạm pháp luật về chống tra tấn trong công tác bắt, giam giữ, điều tra ở một số địa phương trên cả nước, làm hạn chế, ảnh hưởng đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm, quyền không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác của người dân. Một số vụ án có dấu hiệu oan sai liên quan đến việc sử dụng các hành vi tra tấn, ép cung, dùng nhục hình gây búc xúc dư luận, giảm lòng tin của nhân dân đối với hoạt động tố tụng của cơ quan nhà nước. Người dân còn thiếu chủ động, chưa kịp thời trong đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật về chống tra tấn. Có trường hợp bị xâm phạm quyền không bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, bị hạ nhục nhưng không kịp thời tố cáo hành vi vi phạm.
Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức nhục hình hay bất cứ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Điều 10 của Công ước chống tra tấn quy định “Mỗi Quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng giáo dục và tuyên truyền về nghiêm cấm hành động tra tấn được đưa đầy đủ vào chương trình đào tạo các quan chức thực thi pháp luật, các nhân viên dân sự, quân sự, y tế, công chức và những người khác mà có thể liên quan đến việc giam giữ, thẩm vấn hoặc đối xử với bất kỳ cá nhân nào bị bắt, giam giữ hay cầm tù dưới bất kỳ hình thức nào”.
Thực hiện Công ước chống tra tấn và Hiến pháp năm 2013, Việt Nam đã và đang sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều đạo luật quan trọng như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tạm giữ, tạm giam… để phù hợp với các quy định của Công ước, bảo đảm thực hiện đúng cam kết khi phê chuẩn Công ước.
Thực hiện quy định tại Điều 19 của Công ước, Việt Nam báo cáo kết quả năm đầu tiên (2015-2016) triển khai thực hiện công ước, năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Báo cáo này đã được gửi đến Ủy ban chống tra tấn của Liên hợp quốc để Ủy ban xem xét và đăng công khai lên website của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc. Đây là Báo cáo quốc gia về thực thi một trong chín Công ước cốt lõi, cơ bản của Liên hợp quốc, có nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến công tác Công an, thể hiện chính sách và pháp luật của Nhà nước ta trong chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Cùng với việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật để phù hợp với các quy định của Công ước chống tra tấn, ngày 12/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về chống tra tấn.
Việc thực hiện Đề án nêu trên là cần thiết nhằm bảo đảm cho Việt Nam thực hiện tốt hơn vai trò là quốc gia thành viên, thể hiện sự tôn trọng, bảo vệ, nghiêm chỉnh thực hiện các nội dung của Công ước chống tra tấn, khẳng định rõ ràng cam kết có trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, tạo điều kiện cho các thành viên trong xã hội tham gia bảo vệ, thúc đẩy quyền con người theo quy định của Công ước.
Kèm theo bài viết này là các tài liệu:
1. Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Đọc thêm-> Cong uoc chong tra tan
2. Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Đọc thêm -> Bao cao Quoc gia
3. Phụ lục danh sách các luật được quốc hội khóa XIII thông qua kỳ họp thứ 10. Đọc thêm -> Phu luc danh sach Luat
Tài liệu đính kèm
- Phát động tham gia cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chi bộ Giám sát và đảm bảo kỹ thuật CNS tổ chức Lễ kết nạp đảng viên mới
- Đại hội Chi bộ Đài dẫn đường Đà Nẵng nhiệm kỳ 2022-2025
- Xí nghiệp Chế tạo thiết bị hàng không hoàn thành công tác bảo dưỡng định kỳ hạng mục sơn sửa lại Shelter tại Đài DVOR/DME Liên Khương
- Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay tổ chức phát động quyên góp ủng hộ đoàn viên công đoàn bị mắc bệnh hiểm nghèo